Vào 'kinh đô' điện gió

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
02/04/2021 17:02 GMT+7

Không còn là chuyện kỳ vọng mơ hồ nữa, huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thực sự là 'kinh đô' điện gió của miền Trung với 31 dự án điện gió có tổng công suất 1.177 MW.

Chỉ một thời gian ngắn, vùng đất này thay đổi đến ngỡ ngàng, tuy nhiên cũng lẫn lộn buồn vui...

“Đặc sản đói nghèo” hái ra tiền

Quảng Trị gắn liền với cụm từ “gió Lào, cát trắng”, ý nói cái nghèo đã đeo đuổi từ xửa xưa. Mà cũng chẳng đâu xa, chỉ hơn chục năm trước, đến người lạc quan nhất cũng không ngờ chính “đặc sản đói nghèo” ấy của Quảng Trị sẽ... hái ra tiền và giờ đã trở thành sự thật.
Còn nhớ, từ những năm 1990, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã nhận ra khá nhiều vùng ở Quảng Trị dồi dào gió. Đến năm 2011, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép một số đơn vị lắp đặt trạm đo gió tại H.Hướng Hóa với kết quả khả quan khi xác định vận tốc gió trung bình năm từ 6 - 7 m/s và hầu như gió thổi quanh năm. Quảng Trị trở thành số ít địa phương ở khu vực miền Trung được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030. Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở 2 chữ: “tiềm năng”.
Mãi cho đến dự án điện gió đầu tiên, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 ở xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa), khởi sự vào năm 2015. Dự án này có công suất 30MW, tổng kinh phí 1.420 tỉ đồng do Công ty CP tổng công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, đóng điện tháng 2.2017. Từ đó đến nay, chỉ riêng tại huyện vùng cao này có tới 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.177 MW, nguồn vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỉ đồng cho mỗi dự án…
Cột móng của một trụ thu điện gió ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cần cẩu, máy móc hạng nặng được đưa lên vùng rừng núi để phục vụ dự án điện gió

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Đủ thấy, sự phát triển “cực nóng” của dự án phong điện ở vùng đất gió Lào cát trắng. Kéo theo sau là cả một niềm kỳ vọng về thu ngân sách. Với công nghệ mới, mỗi cột điện gió có thể đạt công suất chừng 4 MW, tương đương với công suất một thủy điện nhỏ hiện nay. Vì thế, một cán bộ Sở Công thương đã nhẩm tính sơ bộ rằng, mỗi cột thu gió nộp về cho tỉnh trên dưới 3 tỉ đồng mỗi năm. Mà mỗi dự án điện gió có hàng chục cột như vậy… Quả là con số đáng mơ với một tỉnh nghèo như Quảng Trị, khi thu ngân sách năm gần nhất (2020) chỉ đạt hơn 3.500 tỉ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cũng không giấu được sự kỳ vọng khi quả quyết địa phương đang biến điều bất lợi thành thuận lợi. “Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, kêu gọi đầu tư ưu tiên năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Thành tựu ban đầu hôm này là kết quả của những nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái đầu tư... Đáp lại, các nhà đầu tư cũng làm thật, làm đúng cam kết”, ông Đồng nói.

Thành hình “cánh đồng điện gió”

Hướng Linh được ví như một “thung lũng gió” ở vùng cao Hướng Hóa, cũng sẽ là địa điểm đầu tiên mà các nhà đầu tư phong điện ngắm tới. Tất nhiên, những cột điện gió đầu tiên cũng được mọc lên từ đây, thuộc nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2. Dân bản Hướng Linh, những đồng bào Vân Kiều, đã quen mắt khi nhìn những cánh quạt khổng lồ đang quay…
Cần cẩu, máy móc hạng nặng được đưa lên vùng rừng núi để phục vụ dự án phong điện ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cột móng của một trụ thu điện gió

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chúng tôi vừa đặt chân đến Hướng Linh và cũng ngỡ ngàng chứng kiến những cánh đồng điện gió thành hình ở vùng đất trước đây vốn làm khu tái định cư khi xây dựng hồ thủy điện Rào Quán hơn 20 năm trước. Bất ngờ hơn, năm 2020, huyện Hướng Hóa đã trải qua một năm kinh hoàng với thảm họa lũ lụt, sạt lở đất. Nhưng khung cảnh ấn tượng của những cánh quạt quay vòng trên cột điện vững chãi như giúp xua tan nỗi ám ảnh, như thể thiên tai chưa từng “ghé” qua đây.
Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, kêu gọi đầu tư ưu tiên năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Thành tựu ban đầu hôm nay là kết quả của những nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái đầu tư...
 
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
Nhà của bà Pỉ Hoa (67 tuổi, ở Bản Mới, xã Hướng Linh) ở ngay dưới cột điện gió. Bà bảo, dân bản vui vì từ ngày có những “chiếc cột khổng lồ”, nhiều người vào bản thăm thú hơn. “Vậy là vui rồi, chứ ở nơi “gió thổi đến bạc mặt này”, ai tới làm chi?”, bà Pỉ Hoa nói.
Cũng ở Hướng Linh, dự án điện gió Gelex 1-3 đang thành hình và hoàn thiện 60% khối lượng hạng mục phụ trợ. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Công ty CP năng lượng Gelex Quảng Trị (chủ đầu tư của dự án), cho hay có 8 trong số 21 móng trụ turbin đã đúc xong, thiết bị cũng đã về cảng Hòn La (Quảng Bình) và Cửa Việt (Quảng Trị). Một số thiết bị khác chuyển về đến chân công trình, đang triển khai lắp đặt. “Hiện chúng tôi vẫn có một số khó khăn về việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là hành lang tuyến đường dây 110kV đấu nối dự án nhà máy điện gió vào hệ thống điện lưới quốc gia. Nhưng chúng tôi đang dốc toàn lực, để có thể vận hành chạy thử trước tháng 7.2021”, ông Thăng nói.
Ở 2 xã khác, Tân Liên và Tân Lập (H.Hướng Hóa), dự án nhà máy điện gió Liên Lập của Công ty CP Xây lắp điện 1 làm chủ đầu tư cũng sắp về đích. Theo lãnh đạo công ty, thiết bị của dự án công suất 48MW với tổng mức đầu tư hơn 1.938 tỉ đồng đã chuyển về cảng biển ở Việt Nam. Trong số gồm 12 turbin gió (4MW/turbin), có 10 móng trụ đúc xong, chưa kể đã “ngốn” 98% khối lượng các hạng mục phụ trợ. “Việc lắp đặt trụ trong điều kiện thời tiết thuận lợi chỉ mất chừng 10 đến 15 ngày. Nên đồng điện gió Liên Lập cũng sẽ sắp sửa đến ngày “thu hoạch”, vị lãnh đạo công ty tự tin.
Từ khi có các dự án điện gió, người dân địa phương kiếm thêm nhiều việc làm. Với mức lương 6 - 9 triệu đồng/tháng cho các công việc như tài xế, bảo vệ, nấu ăn, công nhân xây dựng…, không ít đồng bào Vân Kiều đã “đầu quân” cho các đơn vị xây dựng phong điện. “Đó là mức thu nhập mơ ước ở đây. Tôi có thể lo cho vợ con và mẹ già. Tiếc là dự án sắp hết rồi vì cột điện đã chuẩn bị trồng. Có lẽ tôi sẽ mất việc”, anh Hồ Văn Phương, công nhân tại dự án nhà máy điện gió Hướng Tân, tâm sự nửa vui nửa buồn.
Đúng là trong vui có buồn. Sự đổi thay trong một thời gian ngắn ở chốn núi rừng này, khi những cột điện gió mọc lên, cũng gây ra một số hệ lụy. Có những cuộc đánh đổi khiến nhiều người trăn trở... (còn tiếp)
Trong số 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch, hiện có 2 dự án đã đi vào vận hành (tổng công suất 60 MW), 25 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng (tổng công suất 987,2 MW), 4 dự án đang trình UBND tỉnh cấp chủ trương (tổng công suất 130 MW). Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung 53 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất hơn 2.853 MW và chấp thuận cho 7 dự án vào triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến khoảng 1.590 MW.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.