Vào mỏ bạc cao nhất thế giới

25/01/2023 14:05 GMT+7

“Hầm vàng, hầm bạc” là hình ảnh chỉ thường gặp trong truyện cổ tích. Vì thế ở đời thật, vào “hầm bạc” lớn và cao nhất thế giớiBolivia - Nam Mỹ cũng là một trải nghiệm khó quên.

Potosí - “kinh đô” bạc huyền thoại

Nằm trên dãy Andes ở độ cao 4.169 m so với mực nước biển, Potosí (miền Nam Bolivia) là một trong những thành phố cao nhất thế giới. Tại đây sừng sững ngọn Cerro Rico (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ngọn núi giàu có) với trữ lượng bạc thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Do tỷ lệ bạc trong quặng ở đây chiếm tới 40%, trữ lượng quặng lại dồi dào nên từ thế kỷ 16, Cerro Rico là nguồn cung cấp bạc chính cho châu Âu và chiếm 60% lượng bạc trên toàn thế giới. Trong 300 năm (từ thế kỷ 16 - 19), hơn 100.000 tấn bạc được sản xuất tại đây (tương đương 527 tỉ USD thời giá năm 2015). Vì lẽ đó mà thành phố Potosí giàu có, sầm uất, nhộn nhịp có thể sánh với kinh đô London, Paris lúc bấy giờ (khoảng cuối thế kỷ 16, dân số ở đây đã hơn 160.000 người, chủ yếu là thợ mỏ). Thậm chí, cụm từ vale un Potosí (đáng giá như Potosí) cũng được dùng trong tác phẩm nổi tiếng Đôn ki hô tê - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha.

Đằng sau sự thịnh vượng của Potosí lại là một bức tranh buồn. Để trở thành “xưởng đúc tiền của thế giới” cho ra lò hàng tỉ đồng xu, từ thế kỷ 16 đến nay, 8 triệu thợ mỏ (nô lệ, thổ dân) đã chết ở các mỏ tại Potosí. Cuốn Những món quà của người da đỏ (Indian Givers, 1989, tác giả Jack Weatherford) có viết, những năm đầu phát hiện Potosí, người Tây Ban Nha đã đưa 6.000 nô lệ châu Phi đến đây nhưng hầu hết đều chết vì làm việc quá sức ở độ cao như vậy. Sau đó, chính quyền sở tại đã bắt ép thổ dân địa phương làm nghĩa vụ. Họ phải vào hầm từ thứ hai và chỉ được trở ra vào thứ bảy, phải đục đủ 25 bao quặng (mỗi bao khoảng 45 kg) rồi tự kéo qua các đường hầm nhỏ xíu, khiêng lên các bậc thang dài hàng trăm mét đến cửa hầm. 80% thợ mỏ đã chết vì chế độ làm việc cưỡng bức như thế. Bạc khai thác được cùng số người chết nhiều đến nỗi người dân địa phương nói rằng: “Bạn có thể xây một cây cầu bằng bạc từ Potosí (Bolivia) đến Madrid (Tây Ban Nha) và một cây cầu khác bằng… xương người”.

Cơn sốt bạc đi qua, trung tâm phồn hoa đô hội Potosí giờ đây chỉ còn là thành phố cổ đìu hiu, lác đác khách du lịch tò mò muốn tìm lại những câu chuyện quá khứ đầy hào quang.

Thợ mỏ trước cửa hầm. Họ thường nhai lá coca để tỉnh táo và đỡ mệt

Xuống “hầm bạc” gặp thợ mỏ

Giá một chuyến trải nghiệm vào hầm mỏ nửa ngày chỉ khoảng 50 USD nhưng khi đặt tour, bạn phải ký tên vào một “bản cam kết” rằng đã lường trước được những bất trắc có thể xảy ra và công ty sẽ được miễn trừ trách nhiệm.

Người dẫn đường cho chúng tôi là một thợ mỏ đã giải nghệ tên Salas, 42 tuổi. Hành trình bắt đầu từ khu chợ chuyên bán đồ cho thợ mỏ. Salas khuyến khích chúng tôi mua ít quà cho họ như: lá coca, trái cây, rượu, nước, dynamite (thuốc nổ)…

Sau khi lượn một vòng chợ, chiếc xe 9 chỗ ì ạch bò lên đỉnh núi. Không khí tại Potosí vốn đã loãng giờ lại càng trở nên khó thở hơn. Lối vào mỏ là một đường hầm lớn có đường ray để vận chuyển quặng. Trước khi vào, Salas cẩn thận kiểm tra đồ bảo hộ của từng người một: ủng cao su, mũ bảo hộ có gắn đèn, găng tay.

Quỷ vương - thần hộ mệnh của thợ mỏ

Ảnh

Tượng Quỷ vương trong hầm mỏ

Khá lạ là dù thợ mỏ hầu hết đều theo đạo Công giáo, nhưng khi bước vào hầm họ lại cầu... Quỷ vương. Tio được xem là Quỷ vương cai quản thế giới dưới lòng đất.

Mỗi ngày khi vào hầm, thợ mỏ thường cúng Tio để cầu ông phù hộ họ an toàn, khai thác được nhiều bạc. Họ rải lá coca (loại lá linh thiêng thường được sử dụng trong cúng tế của thổ dân ở Peru, Bolivia), tưới bia, rượu lên bức tượng Tio hoặc xung quanh chân tượng. Bức tượng Quỷ vương có hai sừng nhọn trên đầu, mũi và miệng đen thui vì được “hút” thuốc cúng liên tục. Vào ngày 1.8, thợ mỏ và gia đình thường tụ họp lại và vẩy máu llama (một loại lạc đà không bướu ở Nam Mỹ) trước cửa hầm. “Chúng tôi gởi Tio máu llama để ổng uống thay vì uống máu chúng tôi”, một thợ mỏ cho biết.

Đặc biệt, tượng Quỷ vương có dương vật “to đại tướng” vì đó là biểu trưng cho sự nam tính và sức mạnh. Có lẽ vì vậy mà thợ mỏ lẫn du khách thường lấy tay sờ vào “lấy hên” làm cho “chỗ đó” của bức tượng trở nên bóng lưỡng. (Hôm chúng tôi vào hầm mỏ, bức tượng Quỷ vương đã bị “gãy súng”, có lẽ do nhiều người sờ, “lắc” quá).


Chúng tôi tiến vào hầm, hai tay vịn vào vách đá ẩm ướt và lần theo đường ray của thợ mỏ. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe goòng chở đầy đất đá rầm rầm chạy tới, đám du khách phải vội dạt ra hai bên vách để tránh. Nhiệt độ ngày càng tăng, mới bên ngoài còn áo ấm dày cộp, vào đây đã nóng hầm hập, mồ hôi đầm đìa. Hầm tối đen, chỉ còn lấp lóa ánh đèn pin đeo đầu chiếu theo từng bước chân. Bùn lấp xấp dưới chân, càng vào sâu đường càng hẹp, dốc và ngoằn ngoèo, bất chợt lại rẽ trái rẽ phải, như vào mê cung.

Sau khoảng nửa tiếng, chúng tôi đến nơi những thợ mỏ đang làm việc. Người nào mặt cũng đen nhẻm, khắc khổ. Họ đục đá bằng tay, rồi lựa trong đống ngổn ngang đó những miếng quặng tốt bỏ vào bao tải chất lên xe goòng đẩy ra cửa hầm. Một anh khách vạm vỡ cao trên 1,8 m ngỏ ý muốn phụ đẩy chiếc xe đá, cánh thợ mỏ vui vẻ đồng ý. Nhưng chỉ vài phút sau, anh đã thở hồng hộc xua tay cho biết không thể tiếp tục được. “Không thể tưởng tượng những thợ mỏ cao chỉ chừng 1,6 m, ốm tong teo như vậy lại có thể làm mười mấy tiếng/ngày, liên tục hàng chục năm trời”, anh vừa lau mồ hôi vừa lắc đầu thán phục.

Thợ mỏ rất thân thiện. Đi qua nhóm thợ nào cũng đều được hỏi xin nước. Có ở dưới này mới biết nước quý dường nào. Vì thế, những món quà nước, lá coca… (được Salas dặn mua khi nãy) làm cánh thợ mỏ mừng ra mặt.

Họ thường làm 10 - 12 tiếng/ngày, hầu như ăn rất ít, miệng nhai lá coca cả ngày để có thêm năng lượng. Thức ăn cũng hạn chế mang xuống mỏ vì họ tin rằng thức ăn đầy bụi mỏ dưới đó sẽ khiến họ bệnh (dù quên rằng, không khí họ hít liên tục đó cũng đầy bụi).

Salas lôi chai rượu nhỏ và vài cái ly trong người ra rồi mời thợ mỏ cùng uống. Ngồi trong bóng tối, giữa đám mây mù mù của khói thuốc lá và bụi than, cánh thợ mỏ rít thuốc liên tục. Thấy tôi có vẻ ái ngại, một anh nửa đùa nửa thật: “Đằng nào phổi cũng hư rồi”. Anh nói đúng, vì theo thống kê, phần lớn thợ mỏ ở đây đều chết trong khoảng 40 - 50 tuổi, nếu không vì bệnh đường hô hấp thì cũng do tai nạn. Dù vậy, vẫn có nhiều người chọn làm thợ mỏ với mức lương khoảng… 22 USD/ngày (khá hấp dẫn so với mức sống trung bình của người Bolivia - một trong những nước nghèo nhất Nam Mỹ).

Rời hầm mỏ trở về trung tâm thành phố, đi ngang những cửa hàng trang sức lấp lánh ánh bạc, bất giác trong tôi lại loáng thoáng những gương mặt thợ mỏ nhem nhuốc đang rít thuốc trong khói bụi mù mù…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.