Có thông báo nhưng mấy tháng chưa được giải ngân
Chị Thanh, nhà đầu tư bất động sản tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết khi mua lô đất 2 tỉ đồng, chị phải vay vốn từ ngân hàng VIB với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Dù có thông báo cho vay từ cách đây hơn 2 tuần nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được. Đồng cảnh ngộ, 2 nhà đầu tư khác cũng đã có thông báo cho vay từ ngân hàng VIB nhưng đến nay tiền chưa thấy. “Ngân hàng giải thích phải chờ người cũ vay trả rồi sẽ lấy tiền đó giải ngân cho khách hàng vay mới. Tín dụng có hạn nhưng số người vay tiền đang còn xếp hàng khá dài nên chưa đến lượt mình”, chị Thanh cho hay.
Nới room nhỏ giọt khiến việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn khó khăn |
ĐÌNH SƠN |
Cũng như chị Thanh, anh Hồng (chủ một công ty chuyên cho thuê văn phòng ở TP.HCM) cho biết, hồi tháng 6.2022 có vay vốn tại một ngân hàng với số tiền 18 tỉ đồng để mua đất tại huyện Củ Chi. Khi đó, ngân hàng đã có thông báo cấp tín dụng, nhưng đến nay số tiền vay vẫn chưa được giải ngân. Theo lời anh Hồng, tại thời điểm được ngân hàng ra thông báo cho vay, anh cũng lừng khừng chưa muốn vay. Đến nay khi cần tiền, ngân hàng lại siết tín dụng, tiền không đến được tay các nhà đầu tư như anh.
“Bên ngân hàng mới gọi điện báo cho tôi qua tháng 10.2022 hy vọng sẽ có thêm nguồn tiền về, có thể giải ngân được. Còn nay để duy trì công ty, duy trì hoạt động và trả lãi vay ngân hàng tôi phải bán cả chiếc ô tô đang chạy. Hiện nay phương tiện đi lại là chiếc xe máy. Dù rất bất tiện nhưng đành chịu để làm sao sống sót qua khỏi giai đoạn khó khăn này rồi tính tiếp. Lúc này không thể tính đến chuyện phát triển mà chỉ dám tính toán làm sao để tồn tại được”, anh Hồng thở dài.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại Nhà Bè cho biết, đến nay dù ngân hàng thông báo đã mở van tín dụng sau một thời gian hạn chế vì hết quota nhưng việc vay vốn để làm ăn cũng gặp vô vàn khó khăn dù tài sản đảm bảo, phương án vay vốn khả thi. Điều này khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp gần như bị đình trệ mấy tháng qua.
“Bán hàng không được, tiền thanh toán của khách hàng cũng thu về nhỏ giọt do hầu hết cũng gặp khó khăn xin giãn tiến độ. Trong khi đó các khoản chi, nhất là chi phí cố định như: lương, tiền thuê mặt bằng, tiền xây dựng, tiền lãi vay… vẫn phải chi trả hằng tháng khiến chúng tôi đuối. Nếu tình trạng này kéo dài thêm mấy tháng nữa doanh nghiệp sẽ phá sản. Nói đúng hơn là chết trên đống tài sản. Có vẻ như số tiền giải ngân thêm chỉ phục vụ cho các hồ sơ đang chờ sẵn từ trước. Thế nên có thông báo cho vay nhưng ngân hàng hết hạn mức”, vị này than thở.
Có thể nới room thêm 1 - 2%?
Thực tế, các ngân hàng hiện rất thận trọng, xem doanh nghiệp - khách hàng nào uy tín, phương án an toàn mới cho vay.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, lý giải, với số vốn khoảng 450.000 tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế, nhưng chỉ một lượng hạn chế được giải ngân cho bất động sản. Lý do ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nên lần mở room tín dụng này khó tạo sự ấm lên cho thị trường bất động sản. Việc phân bổ room dù giúp tính thanh khoản của thị trường cải thiện hơn, nhưng cũng không nhiều. “Việc phân bổ room tín dụng tác động không nhiều, khó giúp thị trường ấm lại như trước, nhưng cũng giúp cho thị trường bớt căng thẳng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp đầu tư và người mua nhà”, ông Dũng nói.
Nhiều đề xuất mở thêm van tín dụng, đặc biệt cho lĩnh vực bất động sản |
ĐÌNH SƠN |
Lãnh đạo một công ty bất động sản lo lắng, việc phân biệt đối xử bất động sản như đứa “con ghẻ" do đây không phải là lĩnh vực sản xuất đang khiến ngành này khó khăn chồng chất. Nhưng thực tế, bất động sản cũng là một loại hàng hóa đặc biệt tác động đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.
“Theo thống kê, bất động sản liên quan và tác động đến khoảng 35 ngành nghề. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan bất động sản nhiều nhất gồm: xây dựng, du lịch, lưu trú, tài chính - ngân hàng. Năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP, đồng thời góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đã đến lúc cần xem bất động sản là một hàng hóa để có cái nhìn khách quan, đối xử công bằng. Không thể dùng các mệnh lệnh hành chính can thiệp thô bạo vào ngành này, đóng - mở bất thường”, vị này đề xuất.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định, ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất đầu vào - đầu ra tiếp tục tăng và việc kiểm soát chặt hơn hoạt động tín dụng bất động sản của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của các dự án, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 - 2023.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 thêm 1 - 2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15 - 16%) thì sẽ có thêm trên dưới 200.000 tỉ đồng đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Bình luận (0)