Về Huế đi 'đổi gió' ở vùng đầm phá, ăn bánh xèo cá kình

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
20/09/2019 19:32 GMT+7

Đầm phá ở Huế đẹp như một bức tranh, vẫn còn rất hoang sơ và dân dã. Tránh xa những ồn ào phố thị, về đây ta hòa mình với thiên nhiên.

Tất cả đều... trong veo

Anh Hề, một ngư dân làng Chuồn, đưa cả đoàn ra chòi bằng thuyền máy loại nhỏ, cách bờ chừng 20 phút.
Đó là tính để biết, chứ lúc đó không có cảm giác về thời gian vì thuyền đi qua những “con đường” (chỗ không bị chặn bởi vùng quây lại nuôi thủy sản) trên vùng đầm phá mênh mông, đẹp như một bức tranh.
Chòi anh Hề là nơi anh để ngư cụ và nghỉ ngơi nên còn rất hoang sơ. Anh không làm kinh doanh chuyên nghiệp mà chỉ giúp bạn bè, người quen có những giây phút hòa mình với thiên nhiên và thưởng thức các món ăn dân dã tự tay anh nấu.
Mặt trời chiều đỏ rực, chiếu xuống nước, tạo thành một vùng sáng đa sắc, đẹp như bức tranh của một họa sĩ phối màu đại tài. Nó mang lại cảm giác vừa thư thái, vừa hưng phấn đầy năng luợng.
Khi anh Hề đi đổ nò (ngư cụ đơm cá tôm) thì chúng tôi bắt đầu nhóm lửa bằng củi tre. Nước bắt đầu sôi đã thấy anh mang về một mớ tôm. Cứ để nguyên thế đổ vào, tôm chuyển sang màu gạch nổi lên thì vớt ra, chấm muối tiêu. Tôm vừa ngọt, vừa thơm, khác hẳn hương vị của các nhà hàng trong thành phố.

Bánh khoái cá kình

Rồi anh đi đổ ghẹ, thả lưới. Ghẹ con không lớn nhưng chắc. Cá nhỏ và “lộn xộn”, còn gọi là cá “tập tàng” (nhiều loại cá). Bất kỳ sản vật nào cũng không cần chế biến, đổ vào nước sôi luộc lên là đã ngon rồi.
Sau khi đàn hát đã đời, anh Hề bỏ vào nồi một ít gạo, nấu cháo cá ăn khuya. Rất khó mô tả cảm giác vì nó vừa đúng thời điểm, vừa đúng không gian…
Đêm lăn ra chiếu ngủ. Giữa vùng đầm phá mênh mông, gió nồm rười rượi, ngay cả hơi thở cũng rất nhẹ nhàng và… đã đời. Giấc ngủ sâu hiếm có.
Thức dậy vào lúc bình minh. Tất cả đều trong veo. Một thế giới thần tiên.

Bánh xèo cá kình độc đáo

Từ trung tâm thành phố Huế đến đầm Chuồn chừng 12 km. Đầm Chuồn còn được biết đến với cái tên đầm Cầu Hai vì nó nằm trong vùng chừng 100 ha mặt nước của phá Tam Giang.
Làng Chuồn là một làng cổ, nổi danh với rượu làng Chuồn. Nó không chỉ được biết đến ở bản địa mà con cháu còn biến nó thành một thương hiệu, ngoài rượu, còn cả chuỗi nhà hàng mang tên làng vươn đến nhiều tỉnh thành khác.
Người đến đầm Chuồn có thể đi bằng nhiều cách, còn đại đa số chọn cách đơn giản hơn. Cứ đến làng, ra bờ kè là thấy cả một hệ thống nhà hàng nổi làm bằng tre. Có nhà hàng chỉ cần đi theo cầu tre, có nhà hàng đi bằng thuyền máy… tùy theo sở thích. Nhà hàng xây dựng cứng cáp, có khá đủ tiện nghi, kể cả chỗ nghỉ lại và đủ sức chứa cho các đoàn đông.
Ngoài thủy sản vùng đầm phá nước lợ rất ngon (vì lượng phù du nhiều), ai đã đến đây đều muốn thưởng thức bánh xèo cá kình. Bánh xèo (còn gọi là bánh khoái) cũng như các nơi khác, được đổ (tráng) từ bột gạo. Điều đặc biệt ở đây là nhân nó bằng cá kình.
Cá kình là đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang, nhiều người nhầm nó là cá giò, không phải. Cá kình không có con lớn, đầu mùa nó chỉ chừng hai ngón tay, giữa mùa thì to hơn tí.
Bánh xèo được đổ bằng bếp trấu, trên bánh là nhân cá kình nguyên con (có thể một hoặc hai con). Nói nguyên con là vì nó để luôn cả ruột. Ăn cá kình phải ăn ruột, nó có vị đắng nhưng không nhiều, đủ để lưu hương vị. Nhiều người nói ăn bánh xèo cá kình ngủ ngon, thực ra ngủ ngon chính là do ruột cá kình, có thể vì nó ăn một loại tảo nào đó.
Ai mất ngủ thì cá kình là một giải pháp. Không ngoa đâu, nhiều lái xe du lịch quen món ăn vùng này, khi đưa khách đến họ hạn chế ăn cá kình vì sợ… buồn ngủ khi lái xe.
Cá kình không chỉ làm bánh khoái, nó có thể nấu canh, hấp cùng rau mồng tơi đều rất ngon.
Từ trung tâm thành phố, chỉ mất 15 phút để đến một nơi chỉ để thở cũng sướng, chẳng có gì đã bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.