Cuộc đời đầy nước mắt
PV Thanh Niên gặp ông Vũ vào một ngày trời nắng đổ lửa, hơi nóng từ mặt đường bốc lên rát cả da mặt. Ấy vậy mà ông vẫn ngồi nơi góc đường 3 tháng 2 (TP.Cần Thơ) cúi mình đưa tay bán từng tờ vé số.
Lau vội những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, ông kể, ông sinh ra tại TP.Châu Đốc (An Giang) trong gia đình có 5 anh chị em. Gia đình nghèo khó đến “cục đất chọi chim” cũng không có nên cha mẹ ông phải làm thuê làm mướn để lo cho các con.
Lúc sinh ra, ông cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng vào năm 14 tuổi sau khi trải qua cơn sốt bại liệt nhưng do gia đình không có tiền chạy chữa nên đôi chân dần teo tóp và mất khả năng đi lại.
Do cuộc sống khó khăn nên cả gia đình dắt díu nhau về tỉnh Tiền Giang để tìm kế mưu sinh
Năm 1997, mẹ ông mất do tai nạn giao thông, người cha do đau buồn quá độ nên sức khỏe suy kiệt, cũng từ đó ông phải thay cha gánh vác gia đình, bán vé số kiếm tiền lo cho các em.
Đến khi các em trưởng thành và có công ăn việc làm nuôi sống bản thân, ông mới nhẹ gánh lo toan và tìm đến TP.Cần Thơ để kiếm kế mưu sinh.
|
Ban đầu, ông đẩy xe lăn đi bán, nhưng bán không được bao nhiêu. Về sau do xe lăn bị hư, không có tiền mua mới nên ông phải cặm cụi đi bằng đôi tay để đi khắp các ngõ hẻm bán, nhờ được nhiều người thương tình nên mua ủng hộ nhiều hơn.
Do đầu gối cà trên mặt đường gây xước, chảy máu nhiều nên ông sử dụng vỏ xe để tự chế đồ bảo hộ cho đầu gối, nhưng lúc di chuyển cũng rất đau. Về sau, một người đến mua vé số, thấy thương tình nên tặng ông đôi bảo vệ gối.
Ông lập gia đình, rồi lần lượt 2 đứa con chào đời, lớn lên khỏe mạnh, nhưng kéo theo đó là nỗi vất vả chạy cơm hằng ngày và lo cho các con ăn học.
Thắp sáng tương lai cho con bằng đôi tay cha
Khi đứa con đầu ra đời, ông phải chạy vạy kiếm tiền, rồi tìm lớp mầm non để nài nỉ xin cho con theo học. Thương hoàn cảnh của ông nên nơi đó miễn hoàn toàn chi phí.
Hằng ngày, ông phải lần mò trên từng con phố để mong bán được nhiều vé mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt và dành dụm tiền lo cho 2 con.
Hai con của ông là Nguyễn Thị Anh Thư (đã học xong lớp 9 chuẩn bị bước vào lớp 10), Nguyễn Tấn Phát (học lớp 6) đều siêng năng học tập và phụ giúp cha mẹ công việc trong gia đình.
|
|
Do đôi chân teo tóp không thể cử động được nên mọi trọng lực đều dồn lên đôi tay của ông, từ việc lê người dưới nền đất, đá, sình lầy... từng chút một rồi lại phải nặng nhọc trèo lên chiếc xe đã cũ kỹ để chạy đi đến địa điểm bán hằng ngày.
Mỗi ngày, ông nhận bán 200 tờ vé số. Nhưng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến vé số ế ẩm, cuộc sống mưu sinh trở nên khó khăn gấp bội. Tiền lời không đáng là bao nên ông phải chi tiêu thì hết sức tằn tiện để dành dụm đóng tiền học, mua sách vở cho con.
Dầm mình suốt ngày ngoài trời nắng nóng nên ông bị đau đầu kinh niên, thoái hóa đốt sống cổ. Nhưng suốt nhiều năm nay, ông chưa dám nghỉ ngày nào, vì còn phải mưu sinh lo cho gia đình.
Nhắc đến cha, em Thư tự hào: “Ba em là một người khuyết tật, song không vì thế mà ông chịu đầu hàng số phận, luôn hy sinh bản thân để hai chị em được đến trường và cố dành cho tụi em nhiều thứ tốt nhất có thể”.
Câu chuyện về ý chí, nghị lực và tình yêu thương của người cha tật nguyền thắp ước mơ tương lai cho các con khiến nhiều người xúc động.
|
Bình luận (0)