‘Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ’ sắp diễn ra tại phố đi bộ TP.HCM

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/11/2022 08:12 GMT+7

Nằm trong chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 tại TP.HCM là lễ khai mạc hoành tráng với chủ đề Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ do UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức .

Chiều 25.11, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo giới thiệu về Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu - Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ tại TPHCM năm 2022. Cuộc họp báo do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải chủ trì, với tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lai Châu và TP.HCM.

Lai Châu - mảnh đất quyến rũ, đầy bí ẩn ven trời Tây Bắc của Tổ quốc, nơi được đất và trời ưu ái ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với dãy núi Hoàng Liên Sơn đứng đầu trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam

Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc

t,l

100 diễn viên, nghệ nhân người dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Lào, Lự... tham gia biểu diễn

Theo đó, từ ngày 2-4.12, sẽ diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP.HCM năm 2022 với chủ đề Về những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết: “Lai Châu - mảnh đất quyến rũ, đầy bí ẩn ven trời Tây Bắc của Tổ quốc, nơi được đất và trời ưu ái ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với dãy núi Hoàng Liên Sơn đứng đầu trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đặc biệt, Lai Châu còn là nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phủ đầy rêu xanh cùng biển mây trắng bồng bềnh; Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách; nơi đây còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng giữa SaPa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Lai Châu đang triển khai thi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn. Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, cùng với đó là hệ thống 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng tạo ra các điểm du lịch rất có tiềm năng phát triển”.

Cuộc họp báo do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải chủ trì

QUỲNH TRÂN

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP.HCM

T.L

Đêm khai mạc hoành tráng diễn ra vào hồi 20 giờ 15 phút - 21 giờ 15 phút ngày 2.12 tại sân khấu của tỉnh Lai Châu tại đường Lê Lợi, P.Bến Nghé, Q.1, với sự tham gia trên 100 diễn viên, nghệ nhân người dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Lào, Lự...

Chương trình Lễ hội đường phố sẽ diễn ra từ 21 giờ 15 phút - 22 giờ 15 phút (sau khi kết thúc chương trình khai mạc) tại đường Lê Lợi với sự tham gia trên 100 nghệ nhân, diễn viên quần chúng: Dân tộc Thái trong trang phục “sửa luông” với cây đàn tính hòa cùng nhịp của trống, chiêng; dân tộc Hà Nhì trong điệu Xòe không ngủ, kết hợp với trống, chiêng và các làn điệu dân ca; điệu Leo bo - dân tộc Lào; vũ điệu Khèn, điệu múa Sênh tiền - dân tộc Mông;… Du khách sẽ được thưởng thức, trải nghiệm bức tranh văn hóa Lai Châu rực rỡ sắc màu giữa lòng thành phố mang tên Bác.

Trình diễn Khèn dân tộc Mông; Hát Then - Đàn Tính, múa Xòe, múa sạp dân tộc Thái

Từ 20 giờ – 21 giờ 30 phút ngày 3.12 tại sân khấu của tỉnh Lai Châu đường Lê Lợi sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật, trình diễn Khèn dân tộc Mông; Hát Then - Đàn Tính, múa Xòe, múa sạp dân tộc Thái (trong đó Hát Then, nghệ thuật múa Xòe dân tộc Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Đến với không gian trình diễn du khách sẽ được cảm nhận về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Lai Châu kỳ vĩ và bản sắc.

Trong khuôn khổ sự kiện, từ ngày 2 - 4.12 tại đường Lê Lợi, UBND tỉnh Lai Châu bố trí gần 270m2 diện tích chung để tái hiện các không gian giới thiệu, quảng bá du lịch, trải nghiệm văn hóa; giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực dân tộc và trưng bày, triển lãm ảnh đẹp.

Đến với không gian du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động phong phú, hấp dẫn như:Trình diễn nghề thủ công truyền thống (kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong dân tộc Mông; Chế tác và sử dụng đàn tính dân tộc Thái…); tục nhuộm răng đen dân tộc Lự; văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian (Ném pao, tó má lẹ, én cáy…); ẩm thực và sản phẩm Ocop đặc trưng; được cập nhật những thông tin về điểm đến Lai Châu và nhận nhiều ấn phẩm, các video clip, quảng bá sản phẩm du lịch giới thiệu điểm đến du lịch Lai Châu và chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp về Miền đất - Thiên nhiên - Văn hóa- Con người Lai Châu. Ngoài ra, đối tác sẽ cập nhật thông tin mới nhất về danh mục thu hút đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Lai Châu.

Cầu kính Rồng Mây nhìn từ trên cao xuống - điểm du lịch nổi tiếng của Lai Châu

trung kiên

Điệu xòe trong Ngày hội văn hóa dân tộc Thái tỉnh Lai Châu

T.L

Ngoài ra, nhiều hoạt động tại Lễ hội TP.HCM - Ngôi nhà chung của chúng ta năm 2022 cũng được tổ chức: Hoạt động trình diễn trang phục truyền thống của 10 dân tộc đại diện cho 20 dân tộc tỉnh Lai Châu; Múa Xòe, múa Sạp (dân tộc Thái), múa Khèn (dân tộc Mông), múa Xòe (dân tộc Hà Nhì), múa (dân tộc Lào) là những điệu múa mang đặc trưng của từng dân tộc đại diện theo địa vực cư trú từ dẻo thấp, dẻo giữa và dẻo cao.

Đêm 4.12 là chương trình nghệ thuật đặc sắc của Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ tại TP.HCM năm 2022 diễn ra trên đường Lê Lợi, P.Bến Nghé, Q.1 để nói lời... giã bạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.