Sau khi Thanh Niên đăng bài Rừng cộng đồng “chia năm xẻ bảy”, ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, cho biết sáng 27.5, ông chỉ đạo Hạt Kiểm lâm H.Bảo Lâm phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB'ri và xã Lộc Phú (H.Bảo Lâm) kiên quyết giải tỏa tình trạng lấn chiếm đất rừng, tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trong rừng giao cho cộng đồng thôn 4, tại TK 438A và 439 đã bị thu hồi. Trong đó có ngôi nhà của ông Giáp Văn Thống. Cũng theo ông Thiên, qua xác minh của Chi cục, thì ông Thống không phải anh ruột của ông Giáp Văn Tĩnh (Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm) như người dân tố cáo. Tuy nhiên, đối với các cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra để xảy ra phá rừng, Chi cục tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo luật công chức.
Liên quan vụ “đại án cao su” ở H.Bảo Lâm với 3 bị can bị khởi tố: Lê Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT; Lê Quang Nghiệp, Phó phòng Tổ chức Sở NN-PTNT, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp và Mai Hữu Chanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc, một lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết vụ này ban đầu là chuyên án của Bộ Công an, sau đó chuyển cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra xử lý. Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đôn đốc công an tỉnh sớm kết thúc điều tra, đề nghị truy tố và xét xử, không để kéo dài.
Theo nguồn tin Thanh Niên, liên quan “đại án cao su”, các cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng còn đang “cân nhắc” để xử lý thêm một số người khác.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận mặc dù tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng tình hình vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Một số địa phương, đơn vị và chủ rừng vẫn còn lơ là, chưa thực sự quyết liệt trong công tác QLBVR, nên số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng vẫn chiếm tỷ lệ cao.
“Công tác quản lý nhà nước của sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đối với công tác QLBVR và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm; có dấu hiệu tiếp tay, bao che để vi phạm xảy ra. Công tác điều tra, đấu tranh với các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt, do đó tác dụng phòng ngừa vi phạm chưa cao; các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng nhưng chưa điều tra rõ để xử lý đầu nậu, đối tượng cầm đầu, các đường dây, các đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê cho hoạt động vi phạm, phạm tội nên chưa tạo tính răn đe, giáo dục. Việc quản lý, phục hồi lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa hiệu quả, còn để tình trạng người vi phạm canh tác, sử dụng, sang nhượng trái quy định trên diện tích phá rừng, lấn chiếm đất rừng”, ông S cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, thừa nhận: “Những năm gần đây, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra chủ yếu là nhằm chiếm đất. Đặc biệt xuất hiện tình trạng băng nhóm phá rừng để chiếm đất, có đầu nậu và có tổ chức. Sở đang phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý. Cứ nói mất rừng là trách nhiệm của mỗi kiểm lâm thôi là chưa đúng, bởi theo quy định, trách nhiệm đầu tiên là của chủ rừng, sau đó là địa phương và kiểm lâm. Vì rừng đã có chủ, kiểm lâm chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý những việc chủ rừng không thực hiện theo quy định. Thực tế các đơn vị đều có lơ là trong công tác QLBVR”. Theo ông Sơn, riêng phía ngành NN-PTNT, năm 2019 đã có 18 cán bộ, công chức là lãnh đạo, nhân viên thuộc các hạt kiểm lâm bị kiểm điểm, kỷ luật.
Làm gì để “máu rừng” ngừng chảy ?
Để “máu rừng” trên địa bàn tỉnh ngừng chảy, ông Phạm S cho biết: “Hiện tỉnh đang xây dựng đề án “chống gặm nhấm” rừng để xử lý các vấn đề này. Trong đề án sẽ tập trung giải quyết những diện tích bị phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp (chủ yếu cây cà phê) từ trước đến nay để xử lý”.
Ông S cho biết thêm đề án sẽ tính toán cụ thể theo hướng rà soát, xác minh đối với những diện tích mà cây cà phê đã lớn từ 5 năm tuổi trở lên, xem xét cho tồn tại nhưng bắt buộc phải trồng xen cây lâm nghiệp để khi những cây này thành rừng, thì sẽ thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ cho những hộ này để không xáo trộn đời sống người dân, tạo cảnh quan môi trường và độ che phủ rừng; đồng thời để người dân được hưởng giá trị kinh tế. Trong khi đó, đối với diện tích 5 năm trở lại đây thì cương quyết giải tỏa, trồng lại rừng.
Truy thu tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừngTính từ năm 2011 đến giữa năm 2019, trên địa bàn Lâm Đồng có 103 DN để mất hơn 1.619 ha rừng, phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại do để rừng bị phá, bị khai thác trái phép với tổng số tiền hơn 261 tỉ đồng. Tuy nhiên, các DN đã nộp vào ngân sách nhà nước chỉ hơn 15,5 tỉ đồng (chưa tới 6%); trong số này, mới chỉ có 24 DN đang còn hoạt động đã đóng đủ số tiền bồi thường (do số tiền bồi thường nhỏ) với hơn 12,3 tỉ đồng.
Trong khi đó, đáng nói nhất là trong số các DN phải nộp tiền bồi thường nói trên, có 34 DN đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi toàn bộ dự án; số tiền đã phê duyệt để các DN bồi thường lên đến hơn 109,5 tỉ đồng, nhưng các DN này mới nộp hơn 667 triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, việc thu số tiền bồi thường này rất khó khăn, nhất là các DN bị thu hồi toàn bộ dự án, họ không còn hoạt động ở địa phương do không có quy định cụ thể, chặt chẽ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu văn bản để tỉnh đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp hướng dẫn về cơ quan có thẩm quyền thu, trình tự, thủ tục thu, nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng tại các dự án đầu tư trên địa bàn, và chế tài xử lý đối với các trường hợp không chấp hành để làm cơ sở triển khai thực hiện.
|
Bình luận (0)