VIỆT NAM BƯỚC TIẾP
Ông Allen Onstott gia nhập hải quân Mỹ năm 1988. Ông từng rời hải quân một thời gian để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực sáng tạo. Là nhà sản xuất video, chuyên xây dựng, quản lý và quay phim cho đài truyền hình CoCoRo TV (phát sóng qua DirectTV Japan), ông Allen còn gây tiếng vang khi hỗ trợ sản xuất 4 video âm nhạc, trong đó có 3 video cho nghệ sĩ Kitaro (Nhật Bản) đoạt giải Grammy.
Sau đó, ông Allen tái nhập ngũ hải quân Mỹ vào năm 2000 và làm việc cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2021. Trong hải quân Mỹ, ông từng đảm nhiệm vị trí cao nhất là trung sĩ. "Làm việc trong hải quân Mỹ, hầu hết thời gian tôi ở trên tàu. Tôi phục vụ trên nhiều tàu chiến, đi nhiều nước và có vài lần tàu đến thăm Đà Nẵng của Việt Nam", ông Allen Onstott nói.
Sau khi nghỉ hưu, ông Allen vạch ra một hành trình mới nhằm tích góp thêm nhiều trải nghiệm. Ông Allen chọn ngay Việt Nam, mà trước tiên là đến Đà Nẵng, nơi ngày trước ông từng có cơ hội đến thăm khi làm lính hải quân.
Hiện tại ông Allen Ostott là thành viên của chương trình "Lite-a-bike, Safe-a-life" do cựu binh David Clark, Tổng thư ký Veterans for Peace Chapter 160 (Tổ chức cựu binh Mỹ vì hòa bình tại Việt Nam, VFP 160) điều phối.
Ông David Clark nói ông Allen đồng hành rất tích cực, không chỉ quyên góp về tiền bạc mà còn dành thời gian tham gia các hoạt động của chương trình. "Lite-a-bike, Safe-a-life" được thành lập nhằm tặng xe đạp cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; và có chiến dịch dán miếng phản quang, lắp đèn sau xe đạp miễn phí tại Việt Nam.
Nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Allen kể rằng mình từng xem loạt phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War, phát sóng trên đài PBS) của đạo diễn Ken Burns và hiểu sâu thêm về lịch sử cuộc chiến giai đoạn 1954 - 1975 ở Việt Nam. Theo cựu lính hải quân, đối với những người Mỹ chưa từng đến đây thì hình ảnh Việt Nam có thể chỉ gắn liền với chiến tranh. Cá nhân ông cũng từng đôi chút nghĩ rằng đất nước này sẽ thù ghét người Mỹ vì quá khứ.
Nhưng thực tế, sau những trải nghiệm ở đất nước bình yên này mấy tháng qua, ông Allen Onstott cho rằng nhận thức đó đang thay đổi.
"Mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt Nam ngày càng phát triển. Thương mại, kinh tế của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Trong khi một số người Mỹ vẫn có thể liên tưởng Việt Nam với chiến tranh thì tôi tin rằng rất nhiều người khác đang nhận ra rằng đất nước này còn nhiều điều hơn thế nữa", ông Allen nói.
Ông Allen kể mình đã đến thăm vĩ tuyến 17, Khe Sanh và nhiều di tích lịch sử khác, và cũng cảm nhận được rằng quá khứ đau thương ấy đang lùi xa.
"Tôi đã giao lưu với nhiều trẻ em, người dân ở những vùng đó. Họ nói chuyện, ứng xử rất lịch sự. Mọi người đều thân thiện, vui vẻ với tôi và họ cũng mong tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa của nước Mỹ. Tôi được chào đón. Người dân vui vẻ khi gặp du khách, bất kể quốc tịch của du khách. Tôi cảm nhận một điều là người dân Việt Nam sống và luôn bước tiếp vì hiện tại, tương lai. Điều đó thật tuyệt vời", ông Allen chia sẻ các trải nghiệm của mình.
NGƯỜI DÂN VIỆT NAM GIÚP TÔI MỞ RỘNG TRÁI TIM MÌNH
Kể lý do chọn Việt Nam làm điểm đến trong trải nghiệm của mình, ông Allen Onstott điểm danh các khía cạnh: đất nước bình yên, an toàn và có chi phí sống dễ chịu.
"Ban đầu tôi đến Đà Nẵng. Sau đó tôi đi du lịch Huế, Nha Trang và nhiều nơi khác theo chương trình hỗ trợ xe đạp cho các em. Nhưng bây giờ tôi quyết định dừng chân ở Hội An sau khi đọc LonelyPlanet. Ấn phẩm du lịch này bình chọn Hội An là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam. Tôi rất yêu thích thành phố nhỏ yên bình này", ông Allen cho biết.
Cựu lính hải quân chưa nghĩ tới việc ở hẳn luôn tại Hội An. Nhưng ông nói mình sẽ ở lại Việt Nam một khoảng thời gian trong tương lai gần, bởi ở Việt Nam, ông cảm thấy mình thật sự an yên, thoải mái. Thời gian sống ở đây, ông đã kết bạn với nhiều người địa phương, thậm chí có nhiều quán quen để lui tới.
"Tôi có một vài địa điểm yêu thích mà tôi thường lui tới và thật sự rất phấn khích khi mình được nhận ra và chào đón nồng nhiệt. Nó tạo ra một bầu không khí thư giãn và tôi chưa gặp phải bất kỳ sự phân biệt nào. Giao thông ở Việt Nam cũng rất đặc trưng. Ban đầu tôi thấy lộn xộn, nhưng tôi ngạc nhiên là hầu hết người dân lưu thông rất suôn sẻ, lỡ có va chạm nhau và thấy sự việc chẳng có gì lớn thì họ cũng cười với nhau một cái rồi đi tiếp", ông Allen nói.
Trong suốt buổi phỏng vấn, ông Allen Onstott hầu như nói rất nhiều về cá tính người Việt Nam. Ngoài sự lịch sự và kiên trì của người Việt, theo ông Allen, người dân Việt Nam hòa đồng đến độ giúp ông mở lòng hơn.
"Tôi thấy rằng mình hòa đồng với mọi người tôi gặp và ngay cả khi tôi lái xe. Ai cũng đều có thể vẫy tay và mỉm cười. David Clark, người tổ chức chương trình tặng xe đạp cho trẻ em nghèo, thường vẫy tay chào bọn trẻ trên đường đi và chúng luôn đáp lại một cách nhiệt tình. Đó là một bầu không khí tích cực. Mọi người thực sự hạnh phúc và ai cũng biết mở rộng trái tim mình", ông Allen nói.
Ông Allen cũng kể thêm: "Tôi cùng các cựu binh đóng góp, đi đến nhiều nơi vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ trẻ em nghèo. Tôi thật sự yêu quý các em. Tôi nhớ những lần chúng tôi lắp đèn phản quang cho xe đạp thì các em luôn tham gia hỗ trợ. Nhiều em cầm tua vít để làm cùng. Các em luôn muốn nói chuyện với tôi, cố gắng học thêm chút tiếng Anh. Nhiều trẻ chỉ cần gặp tôi là đập tay thiện chí ngay".
"Thật ấm lòng. Tôi cũng cảm thấy hơi tiếc vì mình phải làm sớm công việc, không thể ở với các em lâu hơn. Tôi ước mình có nhiều thời gian hơn để trò chuyện với các em và gia đình. Đó là một trải nghiệm đặc biệt và tôi cảm thấy luôn được chào đón ở đó", ông Allen chia sẻ.
Tôi cảm nhận một điều là người dân Việt Nam sống và luôn bước tiếp vì hiện tại, tương lai. Điều đó thật tuyệt vời.
Ông Allen Onstott, cựu lính hải quân Mỹ
Bình luận (0)