Vị nhiệt đới của Vũ Bích Thủy

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/10/2022 20:13 GMT+7

Vị nhiệt đới trong tranh của Vũ Bích Thủy là xanh nhạt bên cạnh cam nâu, là xốp như mây bên những vạch nhịp tạo không gian kiến trúc, là một tâm trạng chậm rãi đủ đầy…

Vũ Bích Thủy vẽ tranh trừu tượng đã nhiều năm, từ khi chị mới lập gia đình và khi đó ở Hà Nội chưa ai nói đến câu chuyện giới, nữ quyền mấy. Dù đã triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Pháp từ sớm - một biểu hiện của sức hút căn tính Việt, chị sau đó không vẽ nhiều, cũng chẳng vẽ quyết liệt.

Giờ đây, với triển lãm Vị nhiệt đới (từ nay đến 19.10 tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), Vũ Bích Thủy bộc lộ cá tính nghệ thuật rất rõ ràng. Chị kể câu chuyện giàu nữ tính trong không gian xốp như mây, với tâm thế vừa ấm áp vừa điềm tĩnh.

Nữ họa sĩ Vũ Bích Thủy

nghệ sĩ cung cấp

“Năm 2019, tôi mới có triển lãm đầu tiên. Từ đó đến giờ tôi cứ vẽ lác đác, tìm tòi, tự nhủ có cái gì khác thì triển lãm, đến giờ là 45 tháng. Hai năm Covid-19 mọi người ở nhà nhiều, tôi vẽ từ tốn. Từng đó tháng thực ra tôi chỉ vẽ được 35 bức”, nữ họa sĩ tâm sự. Tất cả những bức họa này chị mang hết ra trưng bày tại Vị nhiệt đới. Chị cho biết, mình cảm nhận rất rõ đã đến độ phải chậm rãi, không thể vẽ được nhanh vì tự mình cũng khắt khe hơn.

Những bức tranh ở Vị nhiệt đới có những đường nét mơ hồ gợi tới các không gian kiến trúc cổ điển. Ở đó, không gian được chia khối, chia lớp. Họa sĩ Vũ Bích Thủy là một người chia không gian giỏi trong tranh. Người xem dường như có thể di chuyển trong tranh của chị và thấy rõ ở đây có nhiều nắng hơn, chỗ kia có sương mù và xa xa thì là một đám mây giông đang kéo tới.

Tác phẩm Câu chuyện trên mặt hồ

nghệ sĩ cung cấp

Chị tâm sự tranh trừu tượng có nhiều dòng, có dòng không phom hình gì cả, cảm xúc cứ ào lên. Có bức có hình nhưng bình biến đi thành không cụ thể nữa. Chị lại thích lối vẽ dù trừu tượng nhưng vẫn phải có cấu trúc chặt chẽ trong bố cục.

“Đó là cái tôi luôn đi tìm. Tôi muốn tranh mình cân đối trong bố cục và cấu trúc mình tìm kiếm. Tôi không trực tiếp đưa cho người ta xem, nhưng có đưa cho họ các lớp không gian đan xen vào nhau. Cấu trúc đó trong tranh luôn có. Hình như tôi cũng thích cấu trúc và luôn đi tìm, đắn đo cân nhắc, đặt cái này cái kia để có chiều sâu của không gian nữa. Với cá nhân tôi nếu vẽ không có cấu trúc thì cảm giác nó lỏng lẻo, bị trôi”, chị Thủy nói.

Là người ưa tìm trật tự không gian như thế, nhưng chị biết cách làm cho không gian ấy trở nên bồng bềnh nhờ các lớp màu xốp xếp chồng lên nhau kỹ lưỡng. Tranh của chị tình cảm, dịu dàng nhưng không vì thế mà không có những mảng màu bổ túc, hay tông màu mạnh.

“Tôi luôn cân nhắc, chặt chẽ trong cách chọn đưa vào không gian, đi tìm. Thích như kiểu một anh chơi cờ phải suy nghĩ nhiều. Chính vì thế không thể vẽ nhanh được, tôi đòi hỏi mình phải tìm nhiều hơn, cái này phải khác cái kia”, nữ họa sĩ tâm sự.

Tác phẩm Quán say

nghệ sĩ cung cấp

Với Câu chuyện trên mặt hồ, không gian của nước trở nên tròn trịa còn hoa cỏ ven hồ lại muôn hồng nghìn tía, cứ thắm lên như một hạnh phúc nở căng. Quán say lại gợi tâm trạng của những người đàn ông đã ngồi ở đó hàn huyên từ rất lâu bên bức tường nhiều năm chưa hề được sơn quét lại. Ngôi nhà xanh có một màu xanh phi lý nhưng lại gợi về tổ ấm - chỗ trú yên bình…

Xem tranh của Vũ Bích Thủy, có cảm giác đầy đủ về thời gian. Đó là thời gian của rất nhiều năm tháng đã đi qua, cũng được xếp chồng lên nhau như những chồng không gian chị vẽ.

Thời gian đó không có cảm xúc vui điên lên, hay buồn thắt lại. Nó chỉ đơn giản là đời sống đã trôi qua và làm con người trưởng thành hơn. Ở độ trưởng thành đó, màu sắc tranh trở nên ấm áp và bình thản, cũng đầy thương yêu và bao dung của một người nữ.

Vũ Bích Thủy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Chị tốt nghiệp thạc sĩ, Đại học Nghệ thuật Berlin, Đức năm 1996. Đây là ngôi trường đại học nghệ thuật lớn nhất châu Âu với lịch sử hình thành từ năm 1869.

Thời gian ở Đức, chị tham gia một số triển lãm tổ chức bởi Quỹ Nghệ thuật Seagull (The Seagull Foundation for the Arts), Không gian dành cho phụ nữ quốc tế (The International Women Space), Trại sáng tác nghệ thuật ở Neubrandenburg...

Sau khi về Việt Nam, chị tham gia một số triển lãm nhóm, ở Hà Nội, TP.HCM, được mời bày tranh trong một số sự kiện nghệ thuật Việt Nam và châu Á ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.