Ngày 12.11, Báo Thanh Niên đưa tin, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019.
Kết quả, có 7 ứng viên giáo sư dù hội đồng ngành/liên ngành đã thông qua nhưng lên vòng xét của hội đồng nhà nước vẫn “trượt”. Trong đó, một số ứng viên có điểm công trình khoa học rất cao.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền bức “tâm thư” ký tên Nhóm nhà khoa học trẻ gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó bày tỏ sự hoang mang, thất vọng trước kết quả xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, và cho rằng việc xét có dấu hiệu ngang nhiên làm trái quyết định của Thủ tướng Chinh phủ về việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Theo các tác giả bức tâm thư, có một số ứng viên được hội đồng giáo sư các cấp cơ sở, ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú nhưng lại bị trượt giáo sư, phó giáo sư. Trong khi đó, trên trang chính thức của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, khi công bố kết quả xét cũng không công bố lý do vì sao những ứng viên đó bị “trượt”.
Lý do các ứng viên “trượt”
Chiều 18.11, trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đã lý giải nguyên nhân vì sao một số ứng viên dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua nhưng vẫn bị “trượt” ở vòng xét của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Theo ông Tuấn, sau vòng xét của Hội đồng Giáo sư nhà nước, có 7 ứng viên của 4 hội đồng ngành/liên ngành “trượt” giáo sư; 9 ứng viên “trượt” phó giáo sư, mà lý do chủ yếu là các ứng viên thiếu từ một đến nhiều tiêu chuẩn “cứng”.
Trong 7 ứng viên “trượt” giáo sư, có 2 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành kinh tế, 2 ứng viên ngành vật lý, 2 ứng viên ngành y. 9 ứng viên “trượt” phó giáo sư có 1 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 kinh tế, 3 vật lý, 2 y học, 2 văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao.
Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã thảo luận để thống nhất quy chế xét. Sau khi hội đồng thảo luận thì biểu quyết. Theo đó, cả 32/32 thành viên của hội đồng đều thống nhất, nếu ứng viên giáo sư ở tiêu chuẩn hướng dẫn, thiếu 2 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, ứng viên phó giáo sư ở tiêu chuẩn hướng dẫn, thiếu 2 học viên cao học đã được cấp bằng thạc sĩ, thì đều không đưa vào bỏ phiếu. Nếu ứng viên giáo sư nào có 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, còn thiếu 1; hoặc ứng viên phó giáo sư có 1 học viên cao học đã được cấp bằng thạc sĩ, còn thiếu 1; thì được cho phép bù bằng các tiêu chuẩn khác.
Thực tế là có 6 ứng viên thiếu hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ. Thậm chí, các ứng viên đó không chỉ thiếu 1 tiêu chuẩn này mà còn thiếu cả các tiêu chuẩn khác. Với những ứng viên này, 100% thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý là không đưa vào danh sách bỏ phiếu.
Trường hợp còn lại “trượt” giáo sư (ngành vật lý) là do không đủ số phiếu bầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước. “Ứng viên này làm hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư năm 2017, được công nhận năm 2018. Đến năm 2019 thì ứng viên nộp hồ sơ xét giáo sư. Về tiêu chuẩn, phải đủ 3 năm được bổ nhiệm phó giáo sư, ứng viên này không đủ, nhưng lại có thể được bù bằng các tiêu chuẩn khác, nên ứng viên vẫn đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách bỏ phiếu”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ứng viên đã không được các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước tín nhiệm dù điểm công trình khoa học của anh thuộc diện cao. Điểm tích lũy của ứng viên chủ yếu đạt được là nhờ thời kỳ làm hồ sơ xét công nhận phó giáo sư. Còn trong khoảng thời gian từ khi đạt phó giáo sư đến khi nộp hồ sơ xét giáo sư thì ứng viên chỉ công bố 8 bài báo, đề tài khoa học cấp bộ/cấp nhà nước không có, giải pháp hữu ích không có, thiếu chỉ tiêu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.
Ông Tuấn nói: “Trong số 8 bài báo đã công bố thì chỉ có 6 bài báo đạt tiêu chí được tính để bù thay thế. Vì thiếu 1 nghiên cứu sinh nên ứng viên phải bù thay thế bằng 3 bài báo công bố tạp chí quốc tế uy tín mà ứng viên là tác giả chính từ khi là phó giáo sư. Thành thử, thành tích nghiên cứu khoa học từ sau khi là phó giáo sư của ứng viên còn quá ít (2 bài trong nước, 3 bài quốc tế). Thời gian ngắn, điểm tích lũy thấp, nên ứng viên không thuyết phục được hội đồng nhà nước”.
Tiêu chuẩn “vận dụng”: Chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ
Cũng theo ông Tuấn, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã giao cho chủ tịch hội đồng các ngành/liên ngành liên quan (đồng thời là thành viên hội đồng nhà nước) giải thích cho các ứng viên “trượt” lý do họ không được xét tại hội đồng nhà nước, chứ không có chuyện “đánh trượt” mà không giải thích.
“Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ trực tiếp trả lời từng ứng viên, nếu họ có thắc mắc. Thực tế là Văn phòng chưa nhận trực tiếp bất kỳ thắc mắc nào. Ngay cả bức “tâm thư” được cho là của một nhóm nhà khoa học trẻ gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ở trên, Văn phòng cũng không biết là có hay không, vì không thấy Bộ Giáo dục - Đào tạo hay Văn phòng Chính phủ chuyển đến”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm nay được thực hiện theo Quyết định 37 (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8.2018, trong đó đòi hỏi cao về chất lượng ứng viên). Trong quá trình xét, vì có nhiều tranh cãi xung quanh một số nội dung Quyết định 37 nên một số hội hội đồng ngành/liên ngành đã xét trên tinh thần “vận dụng”.
Nhưng ngay trước kỳ họp thứ 3 Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã được nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ chỉ đạo về việc xét giáo sư, phó giáo sư. Nội dung văn bản chỉ đạo chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất: đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước thực hiện nghiêm túc việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo đúng quy định của Quyết định 37.
Theo Quyết định 37, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư áp dụng cho đối tượng là các giảng viên đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học, nhân tố ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Vì thế, Hội đồng Giáo sư Nhà nước thống nhất nguyên tắc:
Áp dụng nghiêm những tiêu chuẩn cứng, gồm: tổng điểm quy đổi tối thiểu, chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo đối với ứng viên giáo sư, số công trình khoa học quy định, 3 năm cuối giảng dạy liên tục.
Áp dụng quy định của Quyết định 37 theo hướng nâng cao đối với những tiêu chuẩn được bù thay thế về thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Các ứng viên không đủ các tiêu chuẩn này là chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.
Bình luận (0)