Vì sao Apple từ chối yêu cầu mở khóa iPhone?

16/01/2020 17:06 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tỏ ra tức giận với Apple vì công ty này từ chối cho phép chính phủ Mỹ truy cập vào iPhone của những kẻ “giết người, buôn bán ma túy và phạm tội về bạo lực”.

Trong một tweet mới đây, ông Trump nói rằng gã khổng lồ công nghệ này "sẽ phải bước ra và giúp đỡ đất nước vĩ đại của chúng ta, ngay bây giờ!". Dòng tweet của ông Trump xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Apple từ chối yêu cầu của Tổng chưởng lý Mỹ William Barr và Cục Điều tra Liên bang Mỹ - FBI để mở khóa hai chiếc iPhone được cho là của một người đàn ông 21 tuổi - nghi phạm giết chết ba thủy thủ trong vụ xả súng hồi tháng trước tại căn cứ hải quân Penacola ở Florida của nước này.
William Barr cũng bày tỏ sự thất vọng khi mã hóa tích hợp của Apple đã ngăn không cho FBI truy cập vào chiếc điện thoại của nghi phạm. Ông nói, "chúng tôi kêu gọi Apple và các công ty công nghệ khác giúp để tìm ra giải pháp giúp chúng tôi có thể bảo vệ cuộc sống của người Mỹ tốt hơn và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai".

Tại sao Apple sẽ không gật đầu với ông Trump?

Cam kết bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Apple đã được công ty này gìn giữ và coi là một chiêu tiếp thị hiệu quả trong thời gian gần đây so với các đối thủ trên thị trường. CEO Tim Cook của Apple cũng liên tục khẳng định quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người. Ông Cook từng nói với CNN vào năm 2018 rằng, ông muốn các chính phủ trên toàn thế giới hạn chế tối đa số lượng các cơ quan và công ty có thể truy cập vào dữ liệu khách hàng của Apple.
Apple đã bác bỏ các đề xuất hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền về vụ việc ở căn cứ hải quân Pensacola mà họ cho là không phù hợp. Trong một tuyên bố phát đi vào hôm 13.1, hãng cho biết "đã đáp ứng kịp thời từng yêu cầu... với tất cả thông tin mà chúng tôi có".
Nhưng công ty cũng cho biết việc tạo ra quyền truy cập đặc biệt (cửa hậu) vào các thiết bị của mình cho chính phủ sẽ là một hành động vẽ đường cho hươu chạy. "Chúng tôi luôn duy trì quan điểm nhất quán không tồn tại thứ gọi là “cửa hậu chỉ dành cho những người tốt”. Bởi thực tế cửa hậu cũng có thể bị khai thác bởi những kẻ xấu và ảnh hưởng tới bảo mật dữ liệu của khách hàng chúng tôi. Ngày nay, các cơ quan thực thi pháp luật đã có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết, vì vậy người Mỹ không phải lựa chọn giữa việc làm suy yếu mã hóa và giải quyết các cuộc điều tra. Chúng tôi cảm thấy mã hóa mạnh mẽ là rất quan trọng để bảo vệ dữ liệu của người dùng của chúng tôi."

Đây không phải lần đầu tiên

Apple luôn tỏ ra cứng rắn để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng

Ảnh: AFP

Apple đã công khai chống lại các đề xuất chính phủ Mỹ trong những tình huống tương tự xảy ra trước đó. Năm 2016, công ty phản đối lệnh của tòa án nhằm giúp FBI mở khóa iPhone của một trong hai kẻ đã xả súng ở San Bernardino, California, khiến 14 người thiệt mạng.
FBI cuối cùng đã xâm nhập vào điện thoại bằng cách mua một "công cụ" từ một công ty tư nhân có giá hơn 1 triệu USD theo lời của Giám đốc FBI lúc đó là James Comey, dù ông không bao giờ chia sẻ chi tiết về dịch vụ mà FBI đã thuê.
Trong khi đó, lập trường cứng rắn của Apple về việc mở khóa điện thoại của nghi phạm xả súng San Bernardino cũng nhận được sự đồng tình của một số công ty công nghệ lớn tại Mỹ, bao gồm Facebook, Google và Microsoft. Tuy nhiên, không phải Apple không bị chỉ trích về quyền riêng tư khi gần đây họ có nhiều hành động được cho là rất “nhún nhường” với chính phủ Trung Quốc, trong đó có vụ thẳng tay xóa ứng dụng giúp người biểu tình Hồng Kông “định vị” cảnh sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.