Gừng cũng là một thành phần tuyệt vời để thêm vào các món ăn. Nó không chỉ mang lại hương vị độc đáo cho mỗi món ăn, nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe sau đây, theo Food News.
Giảm đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác nhau ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Trong một nghiên cứu gần đây với 41 người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2, được uống 2 gram bột gừng mỗi ngày đã hạ đường huyết lúc đói xuống 12%.
Gừng cũng làm giảm chỉ số đường huyết dài hạn HbA1c đến 10% trong khoảng thời gian 12 tuần.
Và cũng giảm 28% tỷ lệ ApoB/ApoA-I và giảm 23% mức độ cholesterol xấu - hai yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, theo Health Line.
Giảm mức cholesterol
Trong một nghiên cứu kéo dài 45 ngày với 85 người bị cholesterol cao, 3 gram bột gừng mỗi ngày đã làm giảm đáng kể hầu hết các dấu hiệu cholesterol, theo Food News.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ gừng cho hiệu quả giảm cholesterol xấu bằng với Statin - thuốc giảm cholesterol.
Cả hai nghiên cứu cũng cho thấy gừng làm giảm tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu.
Giảm đầy hơi và táo bón
Gừng chứa một loại enzyme gọi là zingibain. Enzyme này tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa protein trong đường tiêu hóa. Do đó, nó giúp thức ăn di chuyển nhanh qua ruột và giảm khả năng đầy bụng, đầy hơi và táo bón.
Trong một nghiên cứu trên 24 người khỏe mạnh, 1,2 gram bột gừng trước bữa ăn đã tăng tốc độ di chuyển của thức ăn ra khỏi dạ dày lên 50%.
Giảm buồn nôn
Gừng được sử dụng trong y học cổ truyền để trị chứng buồn nôn. Ngậm một miếng gừng có thể giúp kiểm soát chứng say tàu xe. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng đã nghiên cứu tác dụng của việc uống gừng đối với phụ nữ mang thai và thấy rằng nó có thể làm giảm buồn nôn trong thai kỳ, theo Food News.
Chống lại nhiễm trùng
Nếu bạn cảm lạnh do thời tiết, một tách trà gừng ấm áp với mật ong sẽ làm bạn cảm thấy tốt hơn. Gừng có chứa một hợp chất gọi là gingerol giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút và nấm.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology cho thấy gừng tươi có hiệu quả chống nhiễm trùng đường hô hấp do một loại virus gọi là vi rút hợp bào hô hấp.
Giảm viêm
Bên cạnh việc chống nhiễm trùng, gingerol còn có đặc tính chống ô xy hóa có thể làm giảm viêm. Những người bị viêm xương khớp có thể bổ sung chiết xuất gừng hoặc bôi thuốc mỡ gừng tại chỗ vì chúng có thể làm giảm cứng khớp và đau. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Georgia (Mỹ) cũng cho thấy chiết xuất từ gừng có thể làm giảm đau cơ, theo Food News.
Giảm đau bụng kinh
Nghiên cứu cho thấy rằng gừng có thể làm giảm bớt chứng đau bụng kinh. Trong đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất gừng có hiệu quả tương đương với thuốc giảm đau ibuprofen trong việc giảm đau bụng kinh.
Bạn cũng có thể kết hợp gừng vào chế độ ăn uống của mình bằng cách dùng gừng sấy khô làm món tráng miệng. Điều này sẽ không chỉ tẩy mùi thức ăn mà còn giúp chống viêm, theo Food News.
Bình luận (0)