Bão Yagi hình thành trên vùng biển phía đông Philippines và đi vào Biển Đông ngày 2.9, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Sau khi vào Biển Đông, do những điều kiện thuận lợi về một vùng biển nóng, đã lâu không có bão nên bão Yagi đã tăng 8 cấp trong hơn 2 ngày.
Bão Yagi đạt cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17) vào ngày 5.9, thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn 1 ngày. Đây là một thời gian rất dài với một siêu bão trên Biển Đông. Siêu bão Yagi cũng ghi nhận kỷ lục là siêu bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Sau khi đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc), siêu bão Yagi chỉ giảm 2 cấp (cấp 14), nhanh chóng nạp năng lượng ở vùng biển vịnh Bắc bộ và đổ bộ đất liền Việt Nam trên khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng lúc 13 giờ ngày 7.9.
Khi đổ bộ Việt Nam, bão Yagi dường như không suy yếu nhiều mà chỉ giảm 1 - 2 cấp. Trong khoảng 6 tiếng càn quét Quảng Ninh - Hải Phòng, bão Yagi vẫn đạt cấp 12 - cấp 13 nên đã tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại khu vực này.
Cây đè bẹp ô tô sau bão Yagi: Chủ xe có được bồi thường?
Đến khoảng 20 giờ ngày 7.9, tâm bão Yagi bắt đầu quét qua Hà Nội. Không giống như những cơn bão thông thường, bão Yagi vẫn giữ được sức gió cấp 10, giật cấp 12 dù đã đi sâu vào đất liền.
Trong khoảng 2 - 3 tiếng càn quét Hà Nội, bão Yagi suy yếu nhanh (giảm 2 cấp) rồi tiếp tục đi vào khu vực Phú Thọ, Vĩnh Phúc (lúc 23 giờ) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đánh giá, bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc bộ - Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, bão kéo dài trên 12 tiếng nên đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lý giải về việc thời gian bão Yagi vẫn giữ được cấp gió mạnh trong vòng 12 tiếng khi đổ bộ Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, bão Yagi có mức độ giảm cấp không theo quy luật thông thường.
Thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, các cơn bão suy yếu nhanh, nhưng với bão Yagi cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12 - cấp 13.
Cụ thể, những khu vực đã quan trắc được gió mạnh cấp 13 như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
Những khu vực trong đất liền có gió mạnh như Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.
Theo cơ quan khí tượng, khi còn ở khu vực bắc Biển Đông, bão Yagi có cường độ rất mạnh, cấu trúc hệ thống đối xứng, hoàn lưu bão rộng, được phát triển trong môi trường thuận lợi là những điều kiện để bão duy trì cường độ mạnh.
Vì vậy, từ thời điểm trước 48 giờ khi bão Yagi đổ bộ đảo Hải Nam, các cơ quan dự báo của quốc tế và Việt Nam đều có chung nhận định bão sẽ không giảm nhiều về cường độ khi đi vào vịnh Bắc bộ cũng như khi tiến sát đất liền Việt Nam.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ đêm 8 - 11.9, ở khu vực Bắc bộ tiếp tục mưa rất lớn, có nơi trên 250 mm, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Bình luận (0)