Vì sao bão Yagi suy yếu nhanh khi quét qua Hà Nội?

Đình Huy
Đình Huy
08/09/2024 12:44 GMT+7

Trong 12 tiếng tàn phá miền Bắc, bão Yagi vẫn giữ được cấp gió mạnh khi đi qua Quảng Ninh - Hải Phòng, nó bắt đầu suy yếu nhanh khi đi qua Hải DươngHà Nội.

12 tiếng tàn phá miền Bắc

Bão Yagi hình thành trên vùng biển phía đông Philippines và đi vào Biển Đông ngày 2.9, trở thành cơn bão số 3 năm 2024. Sau khi di chuyển vào Biển Đông, do những điều kiện thuận lợi về một vùng biển nóng, đã lâu rồi không có bão nên đã tăng 8 cấp trong vòng hơn 2 ngày.

Vì sao bão Yagi suy yếu nhanh khi quét qua Hà Nội?- Ảnh 1.

Bão Yagi ở thời điểm mạnh nhất, mắt bão rõ rệt

ẢNH: WINDY

Bão Yagi đạt cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17) vào ngày 5.9, thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn 1 ngày. Đây là một thời gian rất dài với 1 siêu bão trên Biển Đông. Bão Yagi cũng ghi nhận kỷ lục là siêu bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), siêu bão Yagi chỉ giảm 2 cấp (cấp 14), nhanh chóng nạp năng lượng ở vùng biển vịnh Bắc bộ và đổ bộ vào đất liền Việt Nam trên khu vực tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng lúc 13 giờ ngày 7.9.

Khi đổ bộ vào Việt Nam, bão Yagi dường như không suy yếu nhiều mà chỉ giảm đi 1 - 2 cấp. Trong khoảng 6 tiếng càn quét Quảng Ninh - Hải Phòng, bão Yagi vẫn đạt cấp độ 12 - cấp 13 nên đã tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho khu vực này.

Đến khoảng 20 giờ ngày 7.9, tâm bão Yagi bắt đầu quét qua Hà Nội, không giống như những cơn bão thông thường, bão Yagi vẫn giữ được sức gió cấp 10, giật cấp 12 dù đã đi sâu vào đất liền.

Vì sao bão Yagi suy yếu nhanh khi quét qua Hà Nội?- Ảnh 2.

Quảng Ninh, Hải Phòng ghi nhận gió bão rất mạnh

ẢNH: THẠCH THẢO

Trong khoảng 2 - 3 tiếng càn quét Hà Nội, bão Yagi suy yếu nhanh (giảm 2 cấp) rồi tiếp tục đi vào khu vực Phú Thọ, Vĩnh Phúc (lúc 23 giờ) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tính đến 7 giờ sáng nay, bão Yagi khiến ít nhất 3 người chết, 17.000 cây đổ, 274 ngôi nhà tốc mái lợp tôn, 19 nhà khác hư hỏng... trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đánh giá, bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc bộ - Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, thời gian lưu bão kéo dài trên 12 tiếng nên đã gây ra thiệt hại lớn cho người và tài sản.

Tâm bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Hải Dương cấp 12, giật cấp 13.

59 người chết và mất tích do bão số 3 (Yagi)

Bão Yagi suy yếu nhanh khi quét qua Hà Nội

Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão Yagi sau khi đổ bộ vào khu vực đất liền giữa Hải Phòng - Quảng Ninh vào khoảng 13 giờ ngày 7.9 đã duy trì cường độ mạnh gần 12 tiếng.

Đến khoảng 23 giờ đêm cùng ngày, bão suy yếu xuống cấp 8 (giảm 3 - 4 cấp so với khi đổ bộ vào đất liền).

Vì sao bão Yagi suy yếu nhanh khi quét qua Hà Nội?- Ảnh 3.

Phố phường Hà Nội tan hoang sau bão Yagi

ẢNH: TUẤN MINH

Ông Khiêm đánh giá, khi đi qua ranh giới 3 tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương, bão có 1 thời gian duy trì ở đây khá lâu. Tiếp đến, khi đi qua Hà Nội, Hải Dương bão tiếp tục chịu ma sát địa hình nên nhanh chóng giảm cấp.

"Chúng tôi đã quan trắc và theo dõi vệ tinh thời điểm bão đi vào Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Thời điểm đó các mẫu mây, hệ thống của bão số 3 bị phá vỡ, năng lượng tiêu tán", ông Khiêm nói.

Trước câu hỏi về việc bão bắt đầu giảm cấp nhanh khi quét qua địa hình của Hà Nội, ông Khiêm cho rằng, điều này phải cần nghiên cứu kỹ hơn nhưng đây có thể coi là một trong những nguyên nhân bởi khi đổ bộ vào khu đô thị cũng đã có sự va đập với địa hình.

"Nhìn chung, các cơn bão đi vào đất liền sẽ bị tiêu tán năng lượng, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm", ông Khiêm nói.

Giải thích thêm về khoảng lặng hơn 1 giờ tại nội thành Hà Nội khi cơn bão đang càn quét khu vực này đêm 7.9, ông Khiêm cho rằng, đó là thời điểm Hà Nội đang trong tâm bão.

"Về kĩ thuật, bão, áp thấp nhiệt đới không phải là một cá thể mà là một hệ thống hoàn lưu bao phủ trên nhiều địa bàn các tỉnh khác nhau. Tại vị trí tâm sẽ thường lặng gió, hầu như không có mây", ông Khiêm nhấn mạnh.

Sau bão Yagi là mối nguy về lũ quét, sạt lở đất

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), nhận định mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão khả năng sẽ gây ra sạt lở đất, lũ, lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh miền Bắc.

Hiện nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình và Hà Nội đã có mưa rất to với tổng lượng mưa đo được từ 150 - 200 mm, đặc biệt có những điểm trên 300 mm.

Ông Dũng dự báo, từ ngày 8 - 9.9, tại các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, do đó nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Cạnh đó, sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và sông Hoàng Long sẽ xảy ra một đợt lũ với mức báo động lũ là báo động 1, báo động 2...

Ông Dũng đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập lụt tại các thành phố, khu đô thị và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và TP.Hà Nội.

14 người chết, 176 người bị thương do bão Yagi

Theo Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam), bão số 3 đã khiến 14 người chết (Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3: 1), 176 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hà Nội 8, Hải Phòng 5, Hải Dương 5, Hòa Bình 1).

Trong khi đó, theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, có 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Cạnh đó, có 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Về nông nghiệp, 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại, 5.027 ha cây ăn quả bị mất trắng; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.