Vì sao Bộ Công thương chưa rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu phạm luật?

22/11/2022 11:57 GMT+7

Thanh tra Bộ Công thương đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nêu rõ lý do vì sao 5 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vi phạm quy định pháp luật nhưng chưa rút giấy phép kinh doanh.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 16.11 vừa qua, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó chánh thanh tra Bộ Công thương đã ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan phản hồi công văn liên quan đến 5 thương nhân đầu mối xăng dầu có vi phạm quy định pháp luật để làm căn cứ xử lý các thủ tục thông quan xăng dầu nhập khẩu.

Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ

Lưu Quyên

Theo Thanh tra Bộ Công thương, ngày 31.8, Chánh thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và một số công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối.

Trong đó, ngoài hình thức phạt tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối gồm: Công ty TNHH MTV dầu khí TP.Hồ Chí Minh; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty CP xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty CP dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu trong thời gian 1 tháng.

Nhưng trên cơ sở Công văn 928/UBND-KT ngày 7.9 của UBND tỉnh Đồng Tháp, Công văn số 5039/SCT-QLTM ngày 6.9 của Sở Công thương TP.HCM; báo cáo, kiến nghị của các thương nhân đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía nam; tránh ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân... ngày 6.9, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm.

Theo đó, Thanh tra Bộ Công thương thực hiện theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng bộ Công Thương để ban hành thông báo số 771/TT-TTB tới 5 thương nhân đầu mối nêu trên và các cơ quan có thẩm quyền trong đó có Tổng cục Hải quan về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công thương yêu cầu 5 thương nhân đầu mối thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, yêu cầu của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đang thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định của Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1.10 của Thanh tra Chính phủ và thực hiện công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Sau khi Bộ Công thương ban hành kết luận thanh tra và có văn bản mới thay thế thông báo số 771/TT-TTB, Bộ Công thương sẽ gửi Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định.

Thanh tra Bộ Công thương cũng dẫn căn cứ các công điện của Thủ tướng Chính phủ; thông báo của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của các Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Lê Minh Khái tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu để đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét để các thương nhân đầu mối được tiếp tục kinh doanh xăng dầu để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định trong thời điểm hiện tại.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ ngày 31.8 đến ngày 10.10 đã có 2 thương nhân đầu mối (trong số 5 thương nhân đầu mối vi phạm) có làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp đã đăng ký 36 tờ khai tạm nhập - tái xuất và tái xuất xăng dầu tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch, Cục Hải quan Đồng Nai. Công ty xăng dầu Hùng Hậu có đăng ký 2 tờ khai tại Chi cục Hải quan Khu vực III, Cục Hải quan TP.HCM theo loại hình kinh doanh mặt hàng dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.