Vì sao cần kiêng 'yêu' khi nghi mắc đậu mùa khỉ?

Liên Châu
Liên Châu
31/07/2022 04:00 GMT+7

Trước nguy cơ cao bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh, tại thời điểm trong nước đang từng bước tiếp cận vắc xin.

Dễ lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần, tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến hệ thống khác như phổi, gây ra viêm nhiễm, mất nước, thậm chí nhiễm trùng máu, viêm não. Đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 6 - 13 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày.

Lãnh đạo WHO khuyên người đồng tính nam giảm số lượng bạn tình để tránh nhiễm đậu mùa khỉ

Về triệu chứng, 88% bệnh nhân (BN) có biểu hiện phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở sinh dục, 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu chứng không điển hình khác là: ho, đau họng, nôn, đỏ mắt… Giai đoạn đầu (từ 1 - 3 ngày): BN có thể có triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi, có sưng nổi hạch. Giai đoạn 2 (sau 1 - 3 ngày): BN có biểu hiện của phát ban trên da; phát ban đi theo trình tự khá phổ biến, đầu tiên là những phát ban lớn, sau đó lan rộng, xuất hiện bọng nước, có thể có mủ. Tiếp đó, nốt phát ban này vỡ ra thành sẹo nên việc chăm sóc vết thương rất quan trọng.

Tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ tại New York (Mỹ), ngày 15.7.2022

REUTERS

Theo WHO, vi rút đậu mùa khỉ có thể lây khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh thông qua các nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy bong từ các vết ban; nước bọt (giọt bắn) tiếp xúc với người bệnh trong thời gian dài; qua quan hệ tình dục; và từ người đang có thai sang bào thai qua nhau thai.

Về thắc mắc của nhiều bạn đọc liệu có cần kiêng quan hệ tình dục khi nghi nhiễm, một chuyên gia dịch tễ giải đáp: Lây nhiễm đậu mùa khỉ phụ thuộc tần suất tiếp xúc với vết thương, dịch cơ thể, tiếp xúc với bề mặt da của người bị nhiễm, đặc biệt là tiếp xúc vết thương, tiếp xúc da với da thì khả năng bị lây nhiễm cao hơn. Do đó, các hành vi tăng tần suất tiếp xúc thì sự lây nhiễm sẽ cao hơn.

Việt Nam tiếp cận vắc xin đậu mùa khỉ

GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay với bệnh đậu mùa khỉ, hiện các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm biện pháp y tế công cộng và vắc xin. Với vắc xin, hiện WHO khuyến cáo không sử dụng rộng rãi vì đã có biện pháp y tế công cộng khác; tính lây truyền của đậu mùa khỉ ít hơn so với các bệnh lây qua đường hô hấp như Covid-19.

Theo GS Lân, các vắc xin đậu mùa khỉ hiện đang trong quá trình tiếp tục đánh giá hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết và tùy theo diễn biến tình hình dịch, có thể sử dụng trên những cá thể trong nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người sau phơi nhiễm.

“Trong giai đoạn hiện nay, phòng bệnh phải tăng cường biện pháp y tế công cộng như: giám sát, phát hiện, theo dõi người tiếp xúc để hạn chế sự lây lan”, GS Lân lưu ý.

Về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ của Việt Nam, GS Lân cho biết WHO đang chuẩn bị cho nhập về Việt Nam các sinh phẩm để xét nghiệm. Các viện và bệnh viện đầu ngành đã làm chủ kỹ thuật xét nghiệm này (PCR và giải trình tự gien), kết quả sẽ có trong vòng 3 giờ, tương tự như với xét nghiệm SARS-CoV-2. WHO cũng hỗ trợ cập nhật về quy trình chẩn đoán vi rút đậu mùa khỉ.

6 biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2 - 3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra xung quanh; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về VN, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.