Vì sao chi phí vận tải Việt Nam cao?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/08/2023 06:36 GMT+7

Cước phí vận tải nội địa Việt Nam như thế nào so với các nước? Tại sao mua hàng vận chuyển bằng đường bộ từ Trung Quốc về thẳng TP.HCM vẫn rẻ hơn nhiều so với mua từ các tỉnh phía bắc vào nam?

So sánh thế nào cho chính xác đang là vấn đề được quan tâm để giải bài toán năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt.

Vì sao chi phí vận tải Việt Nam cao?  - Ảnh 1.

Chi phí logistics VN cao hơn nhiều nước

Minh Hòa

Cước nội địa cao hơn nhiều nước

Ngày 6.8, anh Hy Trần (TP.HCM) vào Shopee đặt mua tai nghe với giá 134.000 đồng của một cửa hàng ở Hà Nội, cước phí vận chuyển 35.000 đồng, áp mã giảm giá vận chuyển thì giá cước còn 25.000 đồng. Cùng tai nghe đó, tìm mua trên trang này từ Trung Quốc, thời gian giao hàng trong vòng 3 - 5 ngày, giá cước vận chuyển chỉ 15.000 đồng. 

Tương tự, khi đặt mua bộ bàn phím giả cơ kèm chuột giá 245.000 đồng, cước vận chuyển từ cửa hàng ở Hà Nội vào TP.HCM (đoạn đường khoảng 2.000 km) là 36.500 đồng, nhưng nếu đặt mua cùng bộ bàn phím này tại cửa hàng ở Quảng Châu (Trung Quốc) về đến TP.HCM giá cước chỉ 17.000 đồng, chưa bằng một nửa giá cước hàng hóa nội địa từ bắc vào nam. Như vậy, chỉ riêng cước vận tải hàng hóa nhỏ lẻ, mua một món hàng từ Quảng Châu về sẽ có giá cước thấp hơn mua ngay trong nước.

Bà T.M, chuyên đánh hàng từ Quảng Châu về TP.HCM, cho biết cùng một kiện hàng 100 kg, vận chuyển bằng xe tải, đi từ Quảng Châu đến Bằng Tường (thị trấn biên giới phía Trung Quốc, nằm cạnh cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn - PV) với quãng đường hơn 1.000 km có giá cước 80 nhân dân tệ (tương đương 263.000 đồng), nếu kiện hàng lẻ dưới 70 kg sẽ tính cước 65 tệ (tương đương 213.000 đồng). 

Cũng kiện hàng này, sau khi làm thủ tục qua biên giới, để vận chuyển từ Lạng Sơn về TP.HCM (gần 1.900 km), các chủ nhà xe báo giá 2,5 triệu đồng/100 kg, hàng trả tại kho nhà xe; nếu đi bằng tàu hỏa sau 12 - 14 ngày mới có hàng, cước vận tải là 2 triệu đồng/100 kg. Như vậy, với quãng đường dài gần gấp đôi nhưng cước vận tải nội địa VN lại cao gấp 9 lần so với cước nội địa vận tải tại Trung Quốc. Do tính chất hàng tiểu ngạch, tránh bị thất lạc, nhiều người chọn đặt "bao trọn gói", giao hàng về tận shop ở TP.HCM, bà T.M báo giá vận tải lên đến 5,5 triệu đồng/kiện hàng 100 kg.

Ở quy mô doanh nghiệp, ông N.V.T, Giám đốc kinh doanh của Công ty logistics T.T ở Hà Nội, cho hay nhiều sàn thương mại điện tử sẽ không hỗ trợ giao hàng miễn phí nội địa tại Trung Quốc. Tuy vậy, mức phí nội địa của Trung Quốc khá thấp, dao động từ 6 - 10 nhân dân tệ (khoảng 19.700 - 32.900 đồng) cho 1 kg đầu tiên và 2 - 4 nhân dân tệ (6.600 - 13.150 đồng) cho những ki lô gam hàng kế tiếp. 

Tuy nhiên, nếu mua hàng số lượng lớn, nhà cung cấp có thể miễn phí vận chuyển nội địa hoặc chỉ lấy ở mức giá thấp nhất là 0,1 - 1 tệ cho một sản phẩm. Chi phí cước nội địa thấp, quãng đường lại rất dài, nên thường với gói hàng lớn 5 kg, người tiêu dùng tại Trung Quốc chỉ trả cước khoảng 16.500 đồng, hoặc được miễn phí luôn cho gói hàng nhỏ dưới 2 kg. Trong khi đó, phí giao hàng cho gói hàng dưới 2 kg trong thành phố ở VN thấp nhất 15.000 - 17.000 đồng, ngoại thành 20.000 - 25.000 đồng và đi tỉnh dao động từ 30.000 - 37.000 đồng. 

Ông N.V.T cho biết thêm, trên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc có đến 80% nhà cung cấp miễn phí vận chuyển hàng nội địa cho khách trong nước khi mua sản phẩm. Thế nên, nói về cạnh tranh, hàng hóa Trung Quốc có rất nhiều lợi thế.

Liên quan cước chở hàng nội địa, Công ty vận tải T.H (TP.HCM) báo giá cước vận tải xe trọng tải 15 tấn giá mở cửa (1 - 5 km) là 1,5 triệu đồng, từ km thứ 6 - 100 km, mỗi km tính 22.000 đồng; tương tự, xe trọng tải 2 tấn giá cước mở cửa trong 5 km đầu tiên là 600.000 đồng và mỗi cây số sau đó (từ km thứ 6 - 100) là 14.000 đồng; xe 5 tấn giá cước mở cửa là 1 triệu đồng và mỗi cây số sau đó là 19.000 đồng…

Bà Nguyễn Anh, đại diện một công ty logistics nước ngoài tại TP.HCM, cho hay so về cước vận tải hàng nội địa có cùng trọng lượng và quãng đường tương đương, giá cước vận tải của VN đang cao hơn Thái Lan khoảng 10 - 15%.

Hạ tầng yếu kết nối đẩy chi phí tăng

Mới đây, một đại biểu Quốc hội cũng phản ánh đến Chính phủ về vấn đề chi phí logistics của VN quá lớn và cao hơn nhiều nước trong khu vực, trên thế giới. Trả lời đại biểu Quốc hội, dẫn mức chi phí logistics tại VN tương đương 16,8 - 17% GDP, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận chi phí logistics của VN còn cao hơn nhiều so với mức bình quân thế giới. Với tỷ lệ này, cơ bản tiệm cận với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025, chi phí logistics của VN phải tương đương 16 - 20% GDP.

Tuy vậy, theo chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, so sánh chi phí logistics tại VN với GDP có thể "chưa nói lên được thực tế". Vì xét về số lượng, doanh nghiệp VN trong lĩnh vực logistics chiếm đến 90%, 10% còn lại là doanh nghiệp nước ngoài. Thế nhưng 10% này đang tạo ra doanh thu 70% trong rổ chi phí logistics. Như vậy, phần lớn doanh thu logistics trong nước được tạo ra từ doanh nghiệp ngoại. Nên muốn "kéo" giảm chi phí logistics trong nước xuống phải "đánh" vào túi tiền của doanh nghiệp nước ngoài, chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Điều này không đơn giản.

"Ở VN, nên so sánh chi phí logistics với GNP (Gross National Product - tổng sản phẩm quốc gia) thì chính xác hơn GDP. Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa rất kỳ vọng vào vận tải đường sắt, giúp giảm chi phí so với vận tải đường bộ. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt của VN có từ thời Pháp để lại, rất lạc hậu về quy mô lẫn công nghệ, quá cũ và nhỏ. Trung Quốc có lợi thế đường sắt nội địa chở hàng hóa rất tốt, rộng hơn và nhanh hơn nhiều. Nhờ vậy, vận tải nội địa của họ thừa sức cạnh tranh với vận tải ngoại tham gia vào thị trường này. Chi phí logistics của VN ngoài một phần bị ảnh hưởng bởi hạ tầng giao thông đường bộ, còn là các chi phí ngoài sổ sách dọc đường vận chuyển cũng quá cao, đẩy tổng chi cao", ông Nguyễn Lý Trường An chia sẻ.

Vì sao chi phí vận tải Việt Nam cao?  - Ảnh 2.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bổ sung, chi cho logistics nội địa khó cạnh tranh vì hạ tầng giao thông kém phát triển, cao hơn các nước 30 - 40%; phương tiện vận tải lạc hậu; chưa có quy hoạch vận tải đồng bộ, từ đường sông, kết nối với đường biển, đường bộ, đường sắt thế nào để tối ưu. Chúng ta thiếu một nhạc trưởng cho hệ thống giao thông vận tải bắc - nam. Đã không kết nối tốt, lại còn do đường sắt không được đầu tư, công nghệ lạc hậu khiến nhiều doanh nghiệp không chọn phương tiện vận chuyển hàng hóa này. Đó là chưa nói cải cách hành chính tại các địa phương còn thấp, gây phiền hà, chậm trễ hàng hóa cho doanh nghiệp, liên kết miền, địa phương hạn chế, đẩy chi phí tăng, doanh nghiệp khó cạnh tranh, người tiêu dùng chịu thiệt.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bình luận: "Đầu tư vận tải đường sắt là rất cần thiết, hiệu quả kinh tế nhất song song với đường biển. Các chi phí bên ngoài trên dọc đường không được báo cáo trên sổ sách, vậy có cách nào để đẩy mạnh cải cách, giảm tham nhũng vặt dọc đường đi không, cũng cần nói đến. Bởi tất cả đều được cộng vào hết giá thành sản phẩm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.