Vì sao công an tiếp nhận điều tra sai phạm tại Liksin ?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
25/08/2020 06:11 GMT+7

Qua thanh tra, Thanh tra TP.HCM phát hiện Tổng công ty công nghiệp in - bao bì Liksin - TNHH MTV (Liksin) có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.

Ngày 23.8, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc chuyển nhượng đất, tài sản trên đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty công nghiệp in - bao bì Liksin - TNHH MTV (Liksin) do Thanh tra TP chuyển qua.
Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập, Liksin (trụ sở chính tại 159 Kinh Dương Vương, P.12, Q.6, TP.HCM; 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM) được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, Chủ tịch HĐTV của Liksin do UBND TP.HCM bổ nhiệm.

Đầu tư ngoài ngành “vô tội vạ”

Qua thanh tra, Thanh tra TP.HCM phát hiện Liksin có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2017 Liksin có đầu tư, góp vốn vào 27 doanh nghiệp (DN), trong đó chỉ có 11 DN hoạt động trong lĩnh vực ngành in; còn lại là đầu tư ngoài ngành (bất động sản, tài chính...) như các khoản đầu tư vào Công ty TNHH liên doanh Hoa Việt, Công ty CP P/S, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty CP nhựa Phú Thọ, Công ty CP văn hóa Mai Lan, Công ty CP văn hóa Phương Nam, Công ty CP đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long... Tỷ lệ sở hữu qua vốn góp với các DN trên từ 0,8 - 92,02%.
Tuy nhiên, lợi nhuận nhận được từ những DN mới liệt kê ở trên là 0% (không phát sinh lợi nhuận), hoặc lợi nhuận không đáng kể. Ngoài ra, còn 4/11 khoản đầu tư (chiếm tỷ lệ 36,36%) về ngành in chưa mang lại hiệu quả, hiệu quả đầu tư là 0% như các khoản đầu tư vào Công ty CP máy An Phát, Công ty CP bao bì Đông Nam Việt, Công ty CP in và PHS Lâm Đồng, Công ty CP in tổng hợp Liksin, Công ty CP vật liệu tự dính VN...
Vốn chủ sở hữu của Liksin tính đến cuối 2017 là 1.121 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ 854 tỉ đồng. Năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu chỉ đạt 7%, giảm 18% so với năm 2016 (25%); tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản chỉ đạt 6%, giảm 21% so với năm 2016 (27%); tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ chỉ đạt 11%, giảm đến 40% so với năm 2016 (51%)...
Tổng giám đốc Liksin là ông Nguyễn Ngọc Minh Thi, cũng giữ chức danh quản lý tại một số công ty, xí nghiệp (100% vốn thuộc Liksin, hoặc Liksin góp vốn), vi phạm Nghị định số 97 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thanh tra TP.HCM xác định Liksin còn có sai phạm trong việc thực hiện thoái vốn, thực hiện cổ phần hóa. Cụ thể, theo quyết định của UBND TP.HCM về phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015 của Liksin, thì từ năm 2013 đến quý 1/2018, Liksin, công ty con và các đơn vị trực thuộc phải thoái vốn tại 28 đơn vị.
Thế nhưng, đến thời điểm thanh tra (năm 2018) chỉ có 14 đơn vị thực hiện thoái vốn đúng tiến độ theo kế hoạch của UBND TP, tổng giá trị thoái vốn thu được gần 575 tỉ đồng. Đối với việc thoái vốn dưới giá trị sổ sách tại 2 công ty cổ phần (Công ty CP Nam Đô và Công ty CP in tổng hợp Liksin, đều có vốn góp của Liksin), Thanh tra TP kết luận việc thoái hóa vốn dưới giá trị sổ sách là do trách nhiệm của lãnh đạo Liksin chưa giám sát chặt chẽ để kịp thời có hướng xử lý.

Bất thường trong chuyển nhượng, đấu giá đất

Bên cạnh đó, Liksin có nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng đất, tài sản trên đất gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Đặc biệt là việc chuyển nhượng nhà, đất số 51 - 53A An Dương Vương (Q.5) và khu đất số 7 - 7A đường số 4, KCN Tân Tạo, P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân).
Cụ thể, khu đất số 51 - 53A An Dương Vương mà Liksin được tiếp quản có diện tích đất hơn 2.417 m2, diện tích sàn sử dụng 4.827 m2, nằm ngay trung tâm Q.5, có mặt tiền đường lớn. Tháng 5.2006, Liksin trình UBND TP.HCM xin chủ trương xây dựng cao ốc văn phòng tại khu đất 51 - 53A An Dương Vương. Mục đích xây dựng để làm văn phòng Liksin và các công ty con, công ty liên kết, làm showroom giới thiệu sản phẩm của các công ty trong khối Liksin, diện tích còn lại cho thuê văn phòng.
Đến tháng 1.2007, UBND TP phê duyệt giá bán cho Liksin với giá hơn 272 tỉ đồng. Ngày 8.8.2009, HĐQT Liksin căn cứ chứng thư thẩm định giá của Công ty CP tư vấn dịch vụ về tài sản bất động sản DATC, và ý kiến tổ giúp việc thực hiện định giá lại tài sản để đầu tư ra ngoài công ty, đã thống nhất xác định tổng giá trị nhà đất 51 - 53A An Dương Vương là hơn 380 tỉ đồng để liên doanh.
Nhưng đến năm 2014, Liksin ký hợp đồng với Công ty thẩm định giá Sài Gòn, và công ty này thẩm định giá đất 51 - 53A An Dương Vương là 257,8 tỉ đồng; và trình báo cáo này tới Hội đồng thẩm định giá TP.HCM (Sở Tài chính) thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Ngay sau đó, Hội đồng thẩm định giá TP.HCM có tờ trình tham mưu UBND TP duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình trên đất 51 - 53A An Dương Vương là hơn 257,8 tỉ đồng. Ngày 11.12.2015, Trung tâm bán đấu giá TP.HCM tổ chức bán đấu giá với giá hơn 259,1 tỉ đồng. Đến tháng 2.2016, Liksin và đối tác ký kết biên bản thanh lý hợp đồng phân chia kết quả và tất toán công nợ trước khi kết thúc việc hợp tác kinh doanh dự án 51 - 53A An Dương Vương, theo đó Liksin bị lỗ hơn 9,5 tỉ đồng.
Thanh tra TP.HCM kết luận năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt giá bán cho Liksin là hơn 272 tỉ đồng, nhưng 8 năm sau (năm 2015), Liksin báo cáo và đề xuất Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM tham mưu UBND TP duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá chỉ với hơn 257 tỉ đồng, thấp hơn so với giá trị quyền sử dụng đất được UBND TP duyệt bán năm 2007, và thấp hơn giá trị được HĐTV Liksin xác định năm 2009 để đầu tư, góp vốn liên doanh thực hiện dự án tại 51 - 53A An Dương Vương 122 tỉ đồng.
Liên quan vụ việc này, Thanh tra TP.HCM xác định cũng tại thời điểm này, theo bảng giá đất của UBND TP.HCM năm 2007 tại vị trí đường An Dương Dương từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Nguyễn Tri Phương là 21,2 triệu đồng/m2; năm 2014 và 2015 giá 58,2 triệu đồng/m2, tăng 37 triệu đồng/m2, tương đương tăng gần 175%. Như vậy, sau 8 năm, trong khi bảng giá đất tăng gần 175% nhưng giá thị trường của khu đất trên được định giá và bán lại giảm.

Gây giảm nguồn thu của nhà nước

Tương tự, khu đất số 7 - 7A đường số 4 (KCN Tân Tạo) có diện tích 10.200 m2, năm 2013 UBND TP.HCM duyệt giá khởi điểm để đấu giá hơn 35,756 tỉ đồng. Ngày 17.4.2013, Liksin báo cáo không có khách hàng tham gia đấu giá và đề nghị xác định lại giá khởi điểm.
Ngày 4.9.2015, Sở Tài chính TP.HCM có văn bản gia hạn thời hiệu giá để bán đấu giá, vẫn áp giá bán khởi điểm của năm 2013 (chỉ hơn 35,756 tỉ đồng) mà không thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định để thẩm định lại giá trị quyền sử dụng đất. Theo Thanh tra TP.HCM, đây là việc làm sai quy định. Ngày 30.9.2015, Công ty TNHH thương mại sản xuất Đại Thắng Lợi trúng đấu giá với giá hơn 35,798 tỉ đồng, tức chỉ cao hơn giá khởi điểm gần 32 triệu đồng. Từ đó, Thanh tra TP kết luận giá bán chưa sát giá thị trường, làm giảm giá trị tài sản, giảm nguồn thu của nhà nước.
Các sai phạm trên, theo Thanh tra TP, là có liên quan Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Liksin... của các thời kỳ xảy ra sai phạm.

Lãng phí đất công, kinh doanh sa sút 

Theo kết luận thanh tra, hiện nay Liksin đang quản lý, sử dụng 14 địa chỉ nhà đất, bao gồm 7 địa chỉ nhà đất tại TP.HCM, còn 7 khu đất tại KCN Tân Đức (Long An). Trong đó, 2 khu đất thuộc lô 11 thửa 580 đường số 3 và lô 17 thửa 589 đường số 1 diện tích 19.942 m2 tại KCN Tân Đức, Liksin thuê đất từ năm 2010 với hình thức thuê 50 năm, trả tiền thuê đất một lần hơn 12,8 tỉ đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay không sử dụng, chưa có mục đích kế hoạch sử dụng gây lãng phí đất đai.
Còn trong 7 mặt bằng tại TP.HCM, Thanh tra TP.HCM xác định hiện nay do Liksin quản lý sử dụng, nhưng qua kiểm tra thực tế, phát hiện nhiều diện tích để trống chưa được khai thác sử dụng hiệu quả. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.