Vì sao gen Z ngại đi thăm người thân, họ hàng ngày tết ?

20/01/2023 10:14 GMT+7

Những ngày đầu năm mới nhiều người sẽ đi chúc tết họ hàng, nhưng vẫn có những người trẻ không muốn đi vì… ngại, để rồi chỉ muốn ăn tết tại nhà hay đi đâu đó du lịch cho xong.

Việc thăm hỏi họ hàng ngày tết là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam

VĂN TRÌNH

E ngại vì phải nhớ mặt, nhớ cách xưng hô

Ngày bé mỗi lần tết đến là Nguyễn Thị Thùy Linh (19 tuổi), ngụ tại ấp Gò Cát, xã Tân Phong, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) lại rất thích đi thăm họ hàng vì có cảm giác tụ họp quây quần vui vẻ và hào hứng khi được nhận lì xì. Nhưng khi đã trưởng thành, ngoài việc đi thăm nhà nội, nhà ngoại thì Linh lại muốn ở nhà.

Càng lớn, Thùy Linh lại càng muốn ở nhà khi về tết

NVCC

Linh cho rằng việc không gặp mọi người trong thời gian dài sẽ không tránh khỏi việc một bên hỏi và một bên bị động trả lời, nên cô khá ái ngại khi phải đến nhà họ hàng dịp tết.

“Mình luôn phải đối mặt với những câu hỏi muôn thuở như: ‘Ngành con đang học thì ra trường kiếm được bao nhiêu tiền?’, ‘Đi làm thêm một tháng được bao nhiêu?’, ‘Con có người yêu chưa?’… Ngoài ra, mình còn chịu sự so sánh ‘con anh, con tôi’ nên việc bị tra hỏi nhiều vấn đề khiến mình khá khó chịu và ngượng ngùng”, Linh bày tỏ.

Chuyện khiến Linh khá buồn vào dịp tết 2 năm trước, khi lên nhà bác chơi thì mọi người trong nhà lại không niềm nở và Linh phải ngồi trước đợi rất lâu mới có người ra tiếp chuyện, nhưng cũng khá hời hợt rồi bỏ đi vào nhà. “Mình ngồi mãi một lúc rồi về nhà luôn. Từ đó, mình ngại phải đến nhà họ hàng, cảm giác mọi người thấy mình thì không được vui vẻ, nhiệt tình nên mình cũng khó xử giữa việc ở lại hay đi về”, cô bày tỏ.

Đồng cảm với Thùy Linh, Đỗ Thị Mỹ Quyên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM bày tỏ: “Khi đã lớn rồi thì mình phát sinh một trở ngại lớn khi thăm họ hàng ngày tết, đó là những câu hỏi xoáy sâu vào chuyện đi làm hay các mối quan hệ. Vì mình cũng vừa mới đi làm được vài tháng, nên những câu hỏi về lương bổng khá nhạy cảm với mình, nên tết năm nay mình mong mọi người sẽ né chủ đề này càng nhiều càng tốt”.

Nhiều bạn trẻ chọn ở nhà hoặc đi du lịch, đi chơi cùng bạn bè dịp tết thay vì đến nhà họ hàng

THU MAI

Cũng có cảm giác ngại không muốn đến nhà họ hàng dịp tết, Nguyễn Trần Thu Mai (19 tuổi), ngụ ở đường Mạc Đĩnh Chi, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, cho biết: “Đối với một người ngại giao tiếp, hướng nội như mình thì mỗi năm đều cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn tết nên ở nhà hay qua họ hàng. Do mình ngại việc phải giao tiếp nhiều với mọi người vì phải nhớ mặt, nhớ cách xưng hô và công việc đó khá khó với mình nên rất hay bị quên”.

Ngoài ra khi đến, người lớn sẽ thường nói chuyện với nhau nên đôi khi Thu Mai phải ngồi một góc để đợi mà không biết phải làm gì, cũng không thể thoải mái vào nói chuyện.

Hãy chủ động chia sẻ một ít niềm vui về mình và gửi lời chúc đến những người thân

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc thăm hỏi người lớn tuổi, người thân trong gia đình, hàng xóm mỗi khi xuân về đã trở thành một truyền thống vốn có của người dân Việt Nam. Và việc cảm thấy bị xa cách về thế hệ hay một vài câu hỏi "khó đỡ" là thực trạng phổ biến khiến người trẻ ngại đến nhà người thân, họ hàng.

“Những câu hỏi này đến từ sự quan tâm của người lớn, sự phát triển của con cháu và nếu người trẻ thành công, có công ăn việc làm tốt, chuyện tình cảm thuận lợi cũng là niềm tự hào đối với thế hệ đi trước. Nhưng trường hợp còn đang khó khăn trong sự nghiệp, lận đận tình duyên hoặc có những khó khăn về tuổi tác, thế hệ thì những câu hỏi này dễ dẫn đến cảm giác mặc cảm, xem như gánh nặng tinh thần của người trẻ”, thạc sĩ Huân cho hay.

Cũng theo thạc sĩ này, gen Z là “thế hệ trưởng thành từ những áp lực”, vì vốn là thế hệ được sinh ra trong một thời kỳ phát triển thuận lợi với các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ dẫn đến sự năng động, sáng tạo và dễ thích nghi với sự thay đổi. Tuy nhiên, chính những thuận lợi đó cũng mang lại không ít khó khăn khi gen Z có sự nhạy cảm hơn so với các thế hệ khác.

Để người trẻ bớt e ngại hay cảm thấy không bị bỏ rơi khi đến nhà họ hàng chơi tết, ông Huân bày tỏ chính người lớn cũng cần một chút tinh tế khi hỏi những câu hỏi mang tính “chí mạng” với người trẻ và hãy dùng cử chỉ thể hiện sự quan tâm và yêu thương. Từ đó, sẽ giúp người trẻ dễ chia sẻ, thoải mái hơn và tránh đi những e ngại trong lòng.

Tuy nhiên, để chơi tết ở nhà họ hàng một cách vui vẻ nhất thì thạc sĩ Huân cho rằng người trẻ cũng nên chủ động chào hỏi. “Người Việt Nam chúng ta quan niệm ‘lời chào cao hơn mâm cỗ’, nên hãy hỏi thăm về sức khỏe, kể những chuyện vui và sau đó chủ động chia sẻ một ít về mình. Sau cùng, kết lại bằng một lời chúc gửi đến những người thân. Chính điều đó, sẽ giúp gen Z chủ động hơn, thoải mái hơn và cảm thấy tốt hơn trong dịp tết đến, xuân về”, thạc sĩ Huân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.