Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Lương không phải là 'niềm đau duy nhất'

20/08/2022 07:00 GMT+7

Lương, phụ cấp thấp không phải là “niềm đau” duy nhất và quyết định để khiến nhiều giáo viên nghỉ việc thời gian qua. Còn nhiều lý do khác khiến các thầy cô, ngay cả ở vị trí quản lý cũng viết đơn xin nghỉ.

Hiệu trưởng ở TP.HCM nghỉ việc

Tiếp PV Thanh Niên ở trường học, cô Trần Thị Trung Hiền, 46 tuổi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM vừa có quyết định thôi việc, tất bật với rất nhiều giấy tờ, sổ sách để bàn giao công việc.

Ngày 15.8.2022, cô Hiền chính thức có quyết định thôi việc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Trước đó, từ tháng 3.2022 cô đã gửi đơn xin thôi giữ chức vụ quản lý và thôi việc, khi thấy chưa được giải quyết, tới tháng 5.2022 cô lại tiếp tục gửi đơn thêm một lần nữa.

“Rất nhiều người khuyên ngăn, rồi chia sẻ, động viên tôi tiếp tục ở lại, không ở trường này, quận này thì chuyển tới trường khác, quận khác. Rồi cũng có người hỏi thật lòng bao nhiêu người phấn đấu chưa được, tại sao tôi phấn đấu, nỗ lực bấy nhiêu năm, bây giờ là hiệu trưởng lại nghỉ ngang. Tôi chia sẻ thật lòng, tôi nghỉ việc không phải vì lương, phụ cấp. Tôi cũng không phải cố gắng suốt thời gian qua vì cái ghế hiệu trưởng. Tôi luôn tâm niệm mình làm nghề giáo thì làm vì những điều tốt đẹp cho học trò, cho giáo viên, đồng nghiệp của mình. Bây giờ tôi nghỉ vì môi trường làm việc”, cô Hiền thẳng thắn.

Cô Hiền ra trường, bắt đầu đi dạy từ năm 1999. Đến tháng 9.2022, cô đã có 23 năm công tác. Ngậm ngùi chỉ cho phóng viên xem những bức tranh tường giáo viên vẽ, những chiếc lốp xe thầy cô gắn làm trò chơi cho các em và cả những tin nhắn xúc động của các giáo viên gửi cho cô trong ngày chia tay mới đây, cô Hiền bâng khuâng: “Tôi sẽ nhớ nơi này, nhớ nghề của mình lắm. Nhưng tôi phải nghỉ để giữ lại những điều tốt đẹp nhất”.

Cô Hiền, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM đã xin nghỉ việc, người chia sẻ với PV Thanh Niên

Thúy Hằng

Cô Hiền từng có 12 năm là giáo viên tiểu học của 2 trường ở TP.HCM, từng là phó hiệu trưởng một trường, chuyển về làm việc tại trường bồi dưỡng giáo dục của quận, rồi làm ở phòng GD-ĐT của quận rồi mới về nhận vai trò hiệu trưởng. Cô chia sẻ là một người thẳng thắn, cương trực, cô luôn đóng góp các ý kiến với tinh thần xây dựng.

Cô tham mưu, chỉ ra những điều bất cập trong các văn bản, tuy nhiên không nhận được những chia sẻ, lắng nghe của cấp trên. Trong các cuộc họp, cô cũng đóng góp ý kiến, lúc là trao đổi trực tiếp, lúc là bằng văn bản, chỉ ra những bất cập và đề xuất những giải pháp trong các công việc như thiếu giáo viên, chọn sách giáo khoa, tổ chức lớp học, tuyển sinh lớp 1…

“Tôi góp ý một cách dân chủ, lễ phép, nhưng những gì tôi nhận được hoặc là sự im lặng, không hồi đáp hoặc có người luôn có định kiến với tôi rằng “cái gì cũng ý kiến”. Lâu dần, tôi ngày càng chán nản, mất hết niềm tin, động lực làm việc, sức khỏe bị ảnh hưởng”, cô Hiền tâm sự.

Nghề giáo, một trong những nghề nguy hiểm !

Câu chuyện của cô Hiền chỉ là một minh chứng cho thấy môi trường làm việc ảnh hưởng lớn như thế nào tới giáo viên.

Nhà giáo Hoàng Danh (bút danh của giáo viên), thâm niên 35 năm, đang dạy lịch sử trường THCS tại một tỉnh miền Tây, nói thẳng: “Giáo viên nghỉ việc do lương thấp chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Thời bao cấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn hơn giờ rất nhiều nhưng nhiều giáo viên vẫn chịu đựng được để vượt qua. Theo tôi ngoài lý do thu nhập còn có một số nguyên nhân khác”.

“Những nguyên nhân khác” mà thầy Hoàng Danh liệt kê có thể kể đến như nỗi sợ hai chữ “phổ cập”. “Vì chỉ tiêu phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, nhiều giáo viên phải đi vận động học sinh, năn nỉ học sinh đến trường để giáo viên không bị trừ điểm thi đua. “Nhiều năm vẫn vậy, học sinh không ngoan làm mình làm mẩy, đòi hỏi này kia, kể cả thách thức buộc thầy cô mình phải xuống nước. Lòng tự ái trỗi dậy, thế là giáo viên nghỉ việc”, thầy Hoàng Danh nêu ví dụ.

“Dần dần, tâm lý sợ học sinh xuất hiện. Có nhiều trường hợp phải cho điểm cao để các em lên lớp và không bỏ học. Học sinh vi phạm với mức độ cao nhưng giáo viên sẽ phải cân nhắc la rầy, hay bỏ qua. Bởi rất có thể những hành vi đó có thể đem đến phiền toái cho họ bất cứ lúc nào. Thực tế, tôi đã từng chứng kiến một giáo viên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng chuyện học sinh vi phạm nội quy, vậy mà trên đường về, giáo viên đó bị xô ngã ra giữa đường. Vô tình, nghề giáo trở thành một trong những nghề nguy hiểm, người thầy phải nghỉ việc để tránh phiền phức”, thầy Hoàng Danh chua xót.

Một trong những lý do không liên quan lương, phụ cấp nhưng khiến giáo viên phải nghỉ việc dù đã làm việc lâu năm, theo thầy Hoàng Danh là “lãnh đạo nhiều đơn vị không công bằng khi phân công chuyên môn, công việc”. Thầy nói cụ thể người làm được việc thì phân nhiều việc liên tục. Giáo viên dạy các môn dạy thêm vừa có tăng thu nhập nhưng ít bị phân công công việc ngoài giảng dạy. Trong khi giáo viên các môn không dạy thêm được “lãnh đủ”. Làm nhiều việc thì sai sót nhiều, bị trừ điểm thi đua, cuối năm gây ức chế. Bên cạnh đó, có những người quản lý đùn đẩy công việc của mình cho giáo viên phải làm thay mà không có chế độ gì cả, những bất công này khiến nhiều giáo viên tâm huyết với nghề phải nghỉ việc.

Nhiều góc khuất

Đó là ý kiến của thạc sĩ Lê Đức Đồng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) nói với Thanh Niên. “Nực cười là hiện nay vẫn còn nhiều người cho rằng nghề dạy học là nghề “nhàn hạ”, “ăn trắng mặc trơn”, cả năm chỉ “đứng trong mát” mà dạy. Nghề dạy học không đơn thuần là một nghề như bao ngành nghề khác trong xã hội. Đó là một nghề đặc trưng, trực tiếp giáo dục con người thông qua bài dạy hằng ngày trêp lớp”, thầy Đồng nói.

Thầy Đồng cũng cho biết xã hội thường trao cho ngành giáo dục những mỹ từ cao đẹp “nghề cao quý nhất”, “kỹ sư tâm hồn”, “người đưa đò thầm lặng”, nhưng phía sau đó là nhiều góc khuất. Không chỉ là lương, phụ cấp, có nhiều nguyên nhân chính khác khiến giáo viên, dù yêu mến trẻ đến mấy cũng phải nghỉ việc để tìm kế mưu sinh khác. Ông thẳng thắn: “Giáo viên gặp áp lực về tinh thần, tư tưởng, tình cảm từ phía nhà trường, phụ huynh, xã hội, từ phía học sinh và từ phía chính bản thân mình”.

Theo thầy Đồng, đầu mỗi năm học nhiều nhà trường đưa ra chỉ tiêu thi đua cho từng giáo viên, dù chưa biết năng lực, chất lượng học sinh ra sao nhưng phải đăng ký tỷ lệ giỏi, khá của mỗi bộ môn. Tỷ lệ càng cao thì “xác suất” đạt danh hiệu thi đua cuối năm càng cao nên vì bệnh thành tích, có những trường hợp dù học sinh học yếu thì giáo viên phải tự mình lừa dối mình để các em đạt khá trở lên.

Nguyên nhân nổi cộm nữa mà thầy Đồng đưa ra là giáo viên bị hạn chế nhiều quyền như không được la rầy học sinh khi các em vi phạm nội quy, giáo viên nào nóng nảy, lỡ tay đánh, mắng học sinh, dù chỉ một lần, coi như sự nghiệp “bế mạc”.

Mong muốn cải cách chế độ bổ nhiệm cán bộ quản lý

Bên cạnh đó còn có tình trạng mất dân chủ trong trường học. “Tôi thật sự mong muốn cải cách ngay chế độ bổ nhiệm cán bộ quản lý trong trường học, thực hiện dân chủ thực chất trong trường học. Trường học phải là nơi dạy thật, học thật, thi thật và dân chủ thật. Hiệu trưởng phải do giáo viên bầu trực tiếp, để thực sự là thủ lĩnh của nhà trường, bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng của giáo viên. Đời sống vật chất cho giáo viên quan trọng nhưng đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém. Môi trường giáo dục phải trong sạch, không ô nhiễm thì giáo viên mới có tinh thần cao để yên tâm, vui vẻ công tác”, thầy Đồng thẳng thắn.

Vì sao giáo viên nghỉ việc?

Vì sao nhiều giáo viên nghỉ việc?

Thâm niên 26 năm, lương không đủ sống

Nỗi lòng cô giáo mầm non

Khi người thầy biến thành 'thợ dạy' đầy chua xót

'Lương bằng phụ hồ làm 10 công, thua công nhân'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.