Vì sao hình ảnh lễ tốt nghiệp của một trường đại học gây tranh cãi?

Thanh Nam
Thanh Nam
31/07/2022 16:42 GMT+7

Hình ảnh của lễ trao bằng tốt nghiệp 2022 của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội ) đã và đang gây nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội .

Ngày 29.7, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Chuyên gia nói gì về bộ lễ phục "tràng hạt, quyền trượng" gây tranh cãi?

Nhân dịp này, nhà trường cũng ra mắt bộ lễ phục đặc biệt, mang dấu ấn và thương hiệu của nhà trường.

Thầy Hiệu trưởng cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo tràng hạt... để dẫn đầu các sinh viên tốt nghiệp

ẢNH WEB NHÀ TRƯỜNG

Ngay sau khi những hình ảnh của lễ trao bằng tốt nghiệp 2022 của trường này được thông tin trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái ngược nhau đã xuất hiện.

Cụ thể, với hình ảnh vị Hiệu trưởng cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo tràng hạt... để dẫn đầu các sinh viên tốt nghiệp, nhiều bình luận nhận xét "hơi màu mè", "hơi diêm dúa" (!?)

Nhà văn trẻ L.N. cho rằng: "Không thấy xịn xò gì mà chỉ thấy đây là hình thức lai căng".

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Văn hóa và Phát triển) cho biết: "Từ mấy chục năm nay, cùng với sự mở cửa, hội nhập, giao lưu với văn hóa phương Tây nên việc các cử nhân đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường mặc lễ phục mũ áo trang trọng đã thành quen thuộc. Thậm chí ở các trường mẫu giáo và các cấp học phổ thông trong ngày lễ ra trường cũng mặc lễ phục này. Truyền thống mặc lễ phục tốt nghiệp xuất phát từ hai đại học Oxford và Cambridge của nước Anh, cụ thể từ năm 1321 và ngày nay đa số các trường đại học trên thế giới đều theo truyền thống này”.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng: “Việc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) mặc lễ phục thì theo tôi đây là một việc bình thường, hội nhập với văn hóa thế giới. Có những ý kiến phản đối cho rằng đây là lễ phục lai căng với thầy hiệu trưởng cầm quyền trượng, chuỗi tràng hạt và cần có một lễ tốt nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Tôi lại quan niệm khác. Tôi cho rằng nếu muốn có một lễ tốt nghiệp mang dấu ấn văn hóa Việt Nam thì một trường ĐH không có khả năng làm điều ấy trong một thời gian ngắn, mà phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu lễ phục tiến sĩ khi cha ông chúng ta làm lễ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám thời xưa, từ đó gạn lọc, tiếp thu, thay đổi cho phù hợp với thời nay. Đó là công việc kết hợp từ công sức, trí tuệ của những người làm về giáo dục, thời trang, văn hóa".

Cũng theo tiến sĩ Vân: "Trong khi chờ đợi những lễ phục và buổi lễ tốt nghiệp đậm tính chất văn hóa Việt Nam nếu thấy cần thiết, thì chúng ta nên hội nhập với thế giới bằng những bộ lễ phục đã quen thuộc từ mấy chục năm nay. Còn Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) có gây ấn tượng bằng những bộ lễ phục lộng lẫy hơn, cầu kỳ hơn, thì đó hoàn toàn là quyền của nhà trường. Hãy nhìn những gương mặt sinh viên vui mừng, hạnh phúc trong ngày ra trường và sự tự hào vì trường mình có một bộ lễ phục độc đáo và đừng nên bắt bẻ, xét nét quá nhiều".

Cùng quan điểm, có những ý kiến lập luận, thời khắc tốt nghiệp là một trong những sự kiện quan trọng và đáng nhớ bậc nhất trong cuộc đời mỗi người. Nên việc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) đã tổ chức một buổi lễ trang trọng, lại có bộ lễ phục đặc biệt là điều vô cùng ý nghĩa và khiến giới sinh viên luôn nhớ đến, nghĩ về, lưu mãi trong tâm trí là điều nên làm.

"Mỗi trường ĐH đều có toàn quyền quyết định về bộ lễ phục của trường hay quy mô buổi lễ tốt nghiệp. Vì thế đừng nên lạm bàn quá nhiều. Bản thân tôi dành “triệu like” cho bộ lễ phục của trường nói riêng và buổi lễ tốt nghiệp của trường nói chung", Trương Thị Thảo, sinh viên Trường ĐH Đà Lạt, nói.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ bình luận “thả tim”: "Quá xịn xò", "Rất đẹp, rất phong cách và để lại dấu ấn đặc biệt cho người nhìn. Và chắc hẳn, với những sinh viên của trường sẽ rất hạnh phúc khi được là một cá thể trong buổi lễ ấy". Hay nhiều bình luận từ những sinh viên trường khác: "Mong sao lễ tốt nghiệp của trường mình cũng hoành tráng như thế"...

Bài diễn văn ấn tượng của hiệu trưởng

Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng nhà trường gửi tới những sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh những hy vọng: "…Các em hãy sống có lý tưởng, có ý nghĩa, hãy gắn mình vào sứ mệnh đất nước trong thời đại này, hãy sống cống hiến, thể hiện chính mình. Hãy đi đừng ngại tâm bão, hãy để các em lớn lên và thay đổi cuộc đời mình. Và điều cuối cùng, thầy mong rằng tất cả các em phải trở thành những người có khát vọng. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, các em đang sống những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ nhất của cuộc đời, tuổi thanh xuân sẽ một đi không trở lại, vậy để không bao giờ hối tiếc, hãy sống có khát vọng và lý tưởng...".

Vậy nhưng cũng từ đây, nhiều bình luận mong các trường ĐH, CĐ không nên "vẽ vời" cố gắng tạo ra những buổi lễ tốt nghiệp hoành tráng, tốn kém với những chi tiết rối rắm, mà chỉ cần tổ chức buổi lễ ấm cúng, bình dị, nhưng vẫn có thể để lại ý nghĩa và dấu ấn trong cuộc đời tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Mỗi người mỗi quan điểm, và những luồng tranh cãi vẫn tiếp tục nổ ra trên mạng xã hội xoay quanh hình ảnh của lễ trao bằng tốt nghiệp 2022 của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.