Vì sao Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa thể phát triển?

Giang Phương
Giang Phương
10/08/2022 19:55 GMT+7

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài ( Tây Ninh ) được đánh giá có nhiều tiềm năng bậc nhất khu vực phía nam, nhưng suốt hơn 20 năm qua vẫn chưa thể phát triển.

Ngày 10.8, tại Tây Ninh, Hội đồng Lý luận T.Ư và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (KKTCK) theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là cửa khẩu đường bộ lớn nhất khu vực phía nam

GIANG PHƯƠNG

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đề nghị các bộ ngành và địa phương thẳng thắn đánh giá các nguyên nhân vì sao KKTCK Mộc Bài đầy tiềm năng nhưng không thể phát triển sau hơn 20 năm hình thành, phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các bộ ngành và địa phương thẳng thắn đánh giá các nguyên nhân vì sao KKTCK Mộc Bài đầy tiềm năng nhưng không thể phát triển

GIANG PHƯƠNG

Năm 1998, KKTCK Mộc Bài được quy hoạch và áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1849 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Mộc Bài đến năm 2020. Hiện KKTCK Mộc Bài là một trong 8 KKTCK được Thủ tướng lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát triển thành trung tâm thương mại quốc tế.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, các bộ ngành

GIANG PHƯƠNG

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, KKTCK Mộc Bài có tiềm năng rất lớn bởi nó không chỉ là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà còn giữ vai trò trong việc xây dựng phát triển kinh tế mở, trở thành trung tâm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hơn 20 năm hình thành nhưng nguồn lực đầu tư cho KKTCK Mộc Bài chỉ có 1.000 tỉ đồng thì rất khó phát triển trong khi dư địa của tỉnh đang rất lớn. Ông Thắng cho rằng định hướng phát triển đối với KKTCK Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ là đúng hướng.

“Cần xác định rõ lộ trình, phải kết hợp cả những thể chế đồng bộ, nhất là ưu đãi về sử dụng đất, về thuế, tài chính, các điều kiện liên quan đến các hạ tầng khác để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, nếu Tây Ninh hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rút ngắn quãng đường đến sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, ngoài vốn Nhà nước, cần có sự tham gia của nguồn lực tư nhân, của nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn đầu tư cần chú trọng vào nền tảng xanh và bền vững để thực hiện”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện Bộ KH-ĐT nhìn nhận, cả nước hiện có 26 KKTCK, trừ 3 cửa khẩu phát huy rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai, còn lại phần lớn chưa phát huy được tiềm năng, trong đó có KKTCK Mộc Bài. Đại diện nhiều bộ ngành khác cũng đề cập đến việc cần phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho KKTCK Mộc Bài nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, có khả năng cạnh tranh, thu hút nguồn lực quy mô lớn, đặc biệt là chính sách ưu đãi về đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.