Vì sao năm học nào cũng 'nóng' chuyện máy lạnh ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/10/2024 05:45 GMT+7

Năm học nào trên các diễn đàn phụ huynh học sinh tại TP.HCM cũng tranh luận về vấn đề máy lạnh. Người thì ủng hộ lắp máy lạnh để học sinh đỡ cực, người cho rằng đi thuê tiện hơn, người lại chê thuê mắc hơn mua.

Làn sóng tranh luận về máy lạnh chưa năm nào hết "nóng". Phụ huynh hỏi nhau sao năm nào cũng đóng tiền mua máy lạnh, học sinh (HS) khóa này mua, học xong 5 năm và tặng lại trường thì HS khóa sau có được hưởng cái máy lạnh đó không…

Vì sao năm học nào cũng 'nóng' chuyện máy lạnh ?- Ảnh 1.

Làn sóng tranh luận về việc lắp đặt máy lạnh trong lớp học chưa năm nào hết “nóng”

ẢNH: THÚY HẰNG

Quy định khoản thu dịch vụ máy lạnh

Nghị quyết 13/2024/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM có quy định khoản thu "Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh, chi phí thuê máy lạnh nếu có)".

Đối với lớp đã được trang bị sẵn máy lạnh, mức thu tối đa của các bậc: mầm non, tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 50.000, 45.000, 35.000, 35.000 đồng/HS/tháng.

Đối với lớp có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có máy lạnh, phải đi thuê, mức thu tối đa lần lượt ở khu vực 1 (theo từng bậc học nói trên) là 110.000, 110.000, 95.000, 95.000 đồng/HS/tháng. Ở khu vực 2, mức thu tối đa lần lượt là 100.000, 100.000, 90.000, 90.000 đồng/HS/tháng.

Một phụ huynh trú TP.Thủ Đức (TP.HCM) thắc mắc với PV Thanh Niên: Con tôi là HS tiểu học, đầu năm mỗi HS đóng 60.000 - 70.000 đồng để làm mạng lưới điện, như vậy có đúng quy định không?

Nhiều phụ huynh lên mạng xem giá tiền mua máy lạnh và làm bài toán: Một máy lạnh khoảng 10 triệu đồng, một lớp sĩ số 40 em, nếu mua luôn 2 cái máy lạnh thì tính ra mỗi em chỉ cần đóng 500.000 đồng. 2 cái máy, dùng suốt 5 năm học. Nếu đi thuê, một em đóng 55.000 đồng/tháng, cả lớp mỗi tháng đóng 2,2 triệu đồng, một năm học (9 tháng) đóng 19,8 triệu đồng, 5 năm học là chi tới 99 triệu đồng cho việc thuê máy lạnh, mắc hơn đi mua. Sao không mua luôn cho rẻ?

BAN ĐẠI DIỆN PHỤ HUYNH, NHÀ TRƯỜNG CŨNG KHỔ VÌ MÁY LẠNH

Chị N.H., thành viên ban đại diện cha mẹ HS lớp của một trường tiểu học Q.1 (TP.HCM), cho biết quãng thời gian vài tuần lễ đầu khi các con bắt đầu vào lớp 1 là màn "tranh luận sôi nổi" giữa mấy chục thành viên trong lớp về chuyện mua máy lạnh. Người thì ủng hộ, người thì nói trẻ cần thích nghi với môi trường, không nên ngồi trong máy lạnh cả ngày… Khi thuyết phục được tất cả phụ huynh đồng thuận lắp máy lạnh rồi thì tới mua loại gì, mấy ngựa (mã lực), giá bao nhiêu, mua ở đâu…

Ban đại diện cha mẹ HS cũng vất vả khi phải làm thủ tục xin phép trường để được lắp, làm việc với bên thi công, theo dõi vệ sinh máy lạnh hằng tháng, kêu thợ sửa khi máy hỏng, rồi nghỉ hè lại phải thuê thợ di dời máy lạnh sang phòng học mới… "Vất vả nhưng chúng tôi làm vì HS. Thời tiết TP.HCM oi bức, nhất là vào mùa khô, mấy chục em ăn cơm, nghỉ trưa bán trú, không có máy lạnh, cả cô và trò đều cực", chị N.H nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Thủ Đức giãi bày với PV Thanh Niên: Việc gắn máy lạnh là nguyện vọng của cha mẹ HS muốn các con có môi trường học tập tốt hơn, không phải chủ trương của nhà trường, nhưng khi phụ huynh có nguyện vọng, nhà trường sẽ hỗ trợ trong khả năng. Song, để lắp được máy lạnh trong phòng học phải liên quan đường dây, tải điện, mỹ quan trường học và tốn kém kinh phí. Trường công lập không được duyệt chi ngân sách cho việc này, do đó phụ huynh muốn lắp máy lạnh trong lớp học của con thì phải thống nhất và cùng đóng góp.

Hiệu trưởng này đưa ra ví dụ vào năm học 2023 - 2024 có 6 lớp xin gắn máy lạnh và đi chung đường dây của nhà trường. Tuy nhiên, do đường dây không chịu tải được nên nhà trường đã xin bên điện lực gắn thêm đồng hồ và các lớp phải đi đường dây riêng (4 lớp ở cơ sở 2, mỗi lớp chi phí gần 4 triệu đồng; 2 lớp ở cơ sở 1, mỗi lớp chi phí gần 5 triệu đồng). Năm học 2024 - 2025, nhu cầu gắn máy lạnh ở các lớp tăng, ban đại diện cha mẹ HS trường có đề xuất phương án đi chung một đường dây nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan trường và giảm bớt kinh phí cho các lớp, dự kiến kinh phí cho 35 lớp khoảng hơn 84 triệu đồng, bình quân mỗi lớp khoảng 2,5 triệu đồng. Nếu phụ huynh nhất trí thì cùng chia nhau đóng góp, làm đường dây và lắp máy lạnh.

Vì sao năm học nào cũng 'nóng' chuyện máy lạnh ?- Ảnh 2.

Gắn máy lạnh trong lớp nhằm để các học sinh có môi trường học tập tốt hơn

ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG


LẮP MÁY LẠNH TRONG TRƯỜNG HỌC CÓ ĐƠN GIẢN ?

Kỹ sư Nguyễn Hữu Vĩnh Quân, tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhiệt (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Muốn lắp được máy lạnh thì hệ thống dây điện trong trường phải có khả năng chịu tải khởi động của các thiết bị điện bao gồm cả thiết bị điều hòa có trong hệ thống điện và phải được tính toán thiết kế ngay từ ban đầu. Nếu có phát sinh tải điện (ở trường hợp này là máy lạnh), phải đánh giá lại hệ thống hiện hữu có đáp ứng tải phát sinh này hay không, nếu không thì phải tính toán thi công lại hệ thống điện để tránh quá tải, gây cháy nổ mất an toàn".

Kỹ sư điện Quốc Huy (Công ty điện Mạnh Phương) giải thích: "Việc lắp đặt máy lạnh cho các lớp trong trường học phải đảm bảo các tiêu chí: an toàn điện, dây điện phải được bảo vệ cách điện tốt để đảm bảo an toàn và chống cháy nổ; tính thẩm mỹ. Đặc biệt, đối với các trường đã cũ kỹ thì phải kiểm tra phần tường, trần hoặc mái nhà... có đảm bảo chắc chắn không và phải lắp cửa kính cho phòng học để giữ độ lạnh tốt, chống ồn. Bên cạnh đó, khi lắp đặt máy lạnh trong phòng học, trường học cần phải chú ý đến hệ thống thoát nước của máy lạnh và việc giải nhiệt của dàn nóng có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không".

Ông Quốc Huy cho biết thêm để lắp được máy lạnh trong trường học, thứ nhất, cần tính toán lại công suất của các thiết bị đang sử dụng hiện tại (đèn, quạt, ti vi…); tổng số lượng máy lạnh cần lắp thêm; công suất của từng máy và tổng công suất của các máy lạnh cần lắp thêm là bao nhiêu. Thứ hai, phải xem lại công suất của tủ điện tổng hoặc trạm biến áp của nhà trường.

"Nếu tổng công suất phần hiện tại đang sử dụng và phần máy lạnh dự kiến lắp thêm lớn hơn công suất của tủ điện tổng hoặc trạm biến áp của nhà trường thì phải đầu tư trạm biến áp, tủ điện, đồng hồ lớn hơn để đáp ứng. Đồng thời, đầu tư hệ thống ống điện, dây điện, CB… cho hệ thống máy lạnh dự kiến lắp thêm. Việc này tốn rất nhiều chi phí", kỹ sư điện Quốc Huy nhấn mạnh.

Còn trong trường hợp tổng công suất phần hiện tại đang sử dụng và phần máy lạnh dự kiến lắp thêm nhỏ hơn công suất của tủ điện tổng hoặc trạm biến áp của nhà trường thì chỉ cần đầu tư hệ thống ống điện, dây điện, CB… cho hệ thống máy lạnh dự kiến lắp thêm, ông Huy cho biết.

Do đó, không đơn giản là trường lớp nào cũng có thể tự mua máy lạnh về và tùy ý lắp đặt. Đó cũng là lý do nhiều trường lớp chọn giải pháp thuê máy lạnh vì pháp lý rõ ràng, bên cho thuê chịu trách nhiệm toàn bộ về đường dây, an toàn điện, phòng chống cháy nổ, bảo dưỡng, bơm ga định kỳ…

Phụ huynh cùng góp phần xây dựng trường học hạnh phúc

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES) cho rằng: Trách nhiệm xây dựng trường học lành mạnh, hạnh phúc vừa ở phía nhà trường, vừa ở phía phụ huynh. Ban giám hiệu trường cần lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của phụ huynh và HS, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của HS nhiều hơn... Phụ huynh có những ý kiến đóng góp gì cho nhà trường cũng cần chân thành, trên tinh thần xây dựng; và nhà trường khi tiếp nhận những ý kiến, đơn thư từ phụ huynh cũng cần sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau. Cả cha mẹ trẻ và nhà trường đều có chung một mục tiêu chăm sóc, giáo dục HS nên người. Điều này khẳng định thêm vai trò của ban đại diện cha mẹ HS và nhà trường, chính việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả một cách lịch sự, công bằng và văn minh cũng là cách giáo dục HS tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.