Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú, xung động cảm giác từ vú lên não sản xuất ra hai nội tiết tố Prolactin và Oxytocin.
Trong đó, Prolactin kích thích các tế bào tiết sữa; Oxytocin có tác dụng làm sữa chảy ra đầu vú. Sự tiếp xúc sớm ngay sau sinh làm tăng mối quan hệ gắn bó mẹ con.
Động tác bú của trẻ có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu sau đẻ, mẹ đỡ thiếu máu. Bú sớm sẽ kích thích sữa bài tiết sớm, đồng thời tránh được hiện tượng cương tức vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn, thời gian cho bú lâu hơn.
Đặc biệt, khi được bú sớm, trẻ sẽ nhận được sữa non - thức ăn phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ, tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn sau đẻ. Bú sớm cũng giúp trẻ bú đúng cách ngay từ ban đầu, nuôi con bằng sữa mẹ dễ thành công. Vì vậy ngay sau đẻ, cho trẻ tiếp xúc da kề da, mẹ nằm cạnh con và cho bú sớm trong 1 giờ đầu.
Thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ là sữa mẹ, nhưng không chỉ nuôi trẻ đơn thuần bằng sữa mẹ, vì sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ theo thời gian. Vì vậy, từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được ăn bổ sung và dần tiến tới cai sữa trong khoảng thời gian từ 18 - 24 tháng tuổi.
Điều quan trọng là phải cho trẻ ăn thức ăn bổ sung đầy đủ như bột cháo cơm lẫn với thịt, cá, trứng, đậu đỗ, dầu mỡ và rau quả. Biếng ăn ở thời kỳ này có thể do trẻ chưa thích nghi kịp với chế độ ăn mới hoặc món ăn đơn điệu, ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến ức chế bài tiết các men tiêu hóa.
Thời gian xa mẹ trong ngày nhiều hơn hoặc thay người chăm sóc cũng làm cho trẻ biếng ăn. Vì vậy, các bà mẹ cần tìm nguyên nhân, chú ý cách nuôi dưỡng, thời gian bú mẹ vẫn có thể kéo dài không ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ.
Bình luận (0)