Vì sao nghiên cứu khoa học cấp quốc gia rơi vào tay Công ty Việt Á?

Thái Sơn
Thái Sơn
27/12/2021 06:10 GMT+7

Từ kết quả nghiên cứu khoa học thực hiện nhiệm vụ quốc gia với kinh phí gần 19 tỉ đồng ngân sách, Công ty Việt Á - một doanh nghiệp tư nhân bỗng dưng được ứng dụng sản xuất để “thổi giá”, thu tiền.

Bộ KH-CN hôm qua (26.12) đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử về bộ kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Học viện Quân y phối hợp với Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Theo đó, từ tháng 2.2020, các đơn vị này đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia có mã số ĐTĐL.CN.29/20, với tên gọi đầy đủ: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)”.

Covid-19 sáng 27.12: Cả nước 1.651.673 ca nhiễm | Tiêm vắc xin ngay cho F0 vừa khỏi bệnh

“Nhiệm vụ quốc gia” được cấp ngân sách gần 19 tỉ đồng

Nhiệm vụ này do Học viện Quân y chủ trì, có 17 thành viên tham gia. Trong đó, PGS-TS Hồ Anh Sơn (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm nhiệm vụ cùng với 12 người khác là cán bộ thuộc Học viện Quân y là thành viên. 4 thành viên còn lại đều thuộc Công ty Việt Á, trong đó có ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á (người vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam - PV).

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 mang lại doanh thu 4.000 tỉ đồng cho Công ty Việt Á

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ KH-CN

Đáng chú ý, tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học này là 18,98 tỉ đồng, được chi từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2.2020 - 7.2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2.2020 - 10.2021 (sau khi được gia hạn).

Theo thông tin của Bộ KH-CN, nhiệm vụ này sẽ được Bộ KH-CN tổ chức đánh giá, nghiệm thu vào tháng 12.2021 nhưng hiện tại chưa có bất cứ thông tin nào về việc Bộ đã tổ chức triển khai việc đánh giá, nghiệm thu hay chưa.

Trong khi đó, báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu cũng do Bộ KH-CN công bố hôm qua cho biết nhiệm vụ đã có “những đóng góp mới”, bao gồm: Đã nghiên cứu chế tạo thành công 2 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV là những sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, sản phẩm khoa học là quyết định cấp phép lưu hành 2 bộ sinh phẩm này của Bộ Y tế (Quyết định số 74/QĐ-BYT ngày 4.3.2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 4.12.2020); giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ-NCYS ngày 18.8.2020 của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20.4.2020)...

Danh sách 17 thành viên thực hiện “nhiệm vụ quốc gia” có ông Phan Quốc Việt, Công ty Việt Á

Nhóm nghiên cứu cũng tự đánh giá đề tài trên đã đạt nhiều hiệu quả khác về kinh tế, xã hội. Trong đó, việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn “góp phần xây dựng thương hiệu VN trên bản đồ khoa học công nghệ quốc tế”. Mặt khác “đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất trên 3 triệu test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên 163 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như: Bạch Mai, T.Ư Huế, Đại học Y Hà Nội; CDC Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương… Hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm, và đã xuất khẩu trên 500.000 test”...

Báo cáo tự đánh giá này còn cho hay: “Chúng ta không phải mua những kit chẩn đoán nước ngoài với giá thành cao, giúp giảm giá thành sản phẩm, điểm quan trọng nữa là giúp chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giúp ổn định kinh tế - xã hội”.

TP.HCM chưa phát hiện vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Tiền hậu bất nhất

Thông tin công bố từ Bộ KH-CN cho biết sản phẩm khoa học kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được ứng dụng từ tháng 3.2020 đến nay do cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, mà không có tên Công ty Việt Á.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 3.2020, Bộ KH-CN đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á thực hiện. Tại cuộc họp báo này, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty Việt Á, cho hay về khả năng thương mại hóa, năng lực sản xuất của VN khoảng 10.000 bộ kit/ngày, với giá thành từ 400.000 - 600.000 đồng/bộ.

Ngày 26.4.2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH-CN đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty Việt Á. Trong đó nêu rõ: “Ngày 24.4, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của VN do Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y và Công ty CP công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”. Trong khi đó trên thực tế, ngày 20.10.2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận. Sau khi những lùm xùm của Công ty Việt Á xảy ra, Bộ KH-CN đã lặng lẽ gỡ bỏ các thông tin trên.

Chủ nhiệm đề tài nói gì?

Với các thông tin mới do Bộ KH-CN công bố đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, vì sao Công ty Việt Á đứng tên cùng với Học viện Quân y thực hiện “nhiệm vụ cấp quốc gia”? Vì sao đề tài khoa học vừa nghiên cứu tháng 2.2020, thì đến tháng 3.2020 đã ra được ứng dụng sản phẩm và được Bộ Y tế cấp phép cho lưu hành?

Báo cáo tự công bố của nhóm nghiên cứu từ đề tài khoa học trên cũng cho biết ứng dụng chuyển giao là bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được sử dụng trong phòng chống dịch Covid-19 từ tháng 3.2020 đến nay.

Trả lời báo chí câu hỏi thứ nhất, PGS-TS Hồ Anh Sơn cho biết thông thường, nhiệm vụ khoa học sẽ được tách làm 2 giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, sau khi nghiệm thu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm. Giai đoạn 1, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm. Giai đoạn 2 do doanh nghiệp chủ trì.

“Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất”, ông Sơn nói và cho rằng các nhà khoa học của Học viện Quân y đã làm đúng chức năng nhiệm vụ và nghiên cứu thành công. Học viện Quân y không có chức năng sản xuất cũng như phân phối thương mại sản phẩm.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm cho Công ty Việt Á là căn cứ vào kết quả “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ KH-CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á.

Từ các thông tin do Bộ KH-CN và Bộ Y tế cung cấp, dư luận đang tiếp tục đặt câu hỏi vì sao “nhiệm vụ quốc gia” sử dụng tiền ngân sách nhà nước lại trở thành sản phẩm ứng dụng chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân, tạo tiền đề cho Công ty Việt Á “thổi giá”, thu tiền?

Ngày 10.12 vừa qua, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và một số đơn vị, địa phương, đồng thời khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tư pháp đối với 7 người có liên quan, gồm: Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương… Theo C03, từ tháng 4.2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và sở y tế 62 tỉnh, thành với doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng, có dấu hiệu “thổi giá” để thu lợi nhuận bất chính... Chỉ tính riêng 5 hợp đồng bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương trị giá 151 tỉ đồng, Công ty Việt Á đã chi cho Giám đốc CDC Hải Dương số tiền lại quả 30 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.