Xe

Vì sao nhiều cửa kiểm duyệt, văn bản 'cán bộ không mặc quần jean đi làm' vẫn sai?

05/01/2018 08:00 GMT+7

Mất 5 tháng gửi các sở ban ngành để lấy ý kiến, qua 4 vòng chỉnh sửa, kiểm duyệt, trong đó có Sở Tư pháp, nhưng quyết định về quy tắc ứng xử danh cho cán bộ ở Cần Thơ vẫn trái luật. Vì sao?

Ngày 28.12.2017, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã ban hành quyết định bãi bỏ quyết định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ; trong đó quy quy định không được mặc quần jean, áo thun đi làm.
Việc huỷ bỏ được thực hiện theo kết luận kiểm tra ngày 25.10.2017 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.
Kết luận trên cho rằng văn bản TP.Cần Thơ được ban hành dưới hình thức hành chính nhưng chứa quy phạm pháp luật. Nghĩa là quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với hình thức bắt buộc. Cụ thể là quy định những việc phải làm và những việc không được làm... là không phù hợp với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Vấn đề đặt ra là vì sao một bộ quy tắc ứng xử mất gần nửa năm để soạn thảo, ban hành, trải qua nhiều vòng kiểm duyệt từ sở ngành, huyện thị đến UBND thành phố nhưng vẫn trái luật, phải bãi bỏ chỉ sau 4 tháng ban hành?
PV Thanh Niên có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ, đơn vị tham mưu, chấp bút soạn thảo lấy ý kiến và hoàn thiện bản quy tắc ứng xử trên.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ Ảnh Đình Tuyển
* PV: Ông có thể giải thích rõ về nội dung trái luật dẫn đến việc phải bãi bỏ quyết định về quy tắc ứng xử của thành phố?
- Ông Nguyễn Hoàng Ba: Theo kết luận kiểm tra số 80/KL - KTrVB ngày 25.10.2017 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, vấn đề là văn bản soạn thảo là dạng văn bản cá biệt nhưng lại chứa nội dung quy phạm nên không đúng quy trình ban hành văn bản. Nếu là văn bản quy phạm thì đúng ra phải trải qua quy trình 2 vòng, 8 bước tức là phải xin chủ trương ban hành; có lấy ý kiến, đánh giá tác động ở đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh...
* Trước đó, việc soạn thảo quy tắc ứng xử trên có mất nhiều thời gian không?
- Chúng tôi đã phải gửi đi gửi lại 4 vòng. Tính ra mất khoảng 5 tháng mới xong. Đầu tiên phải gửi cho các sở ngành, quận huyện góp ý. Sau đó, Sở Nội vụ tổng hợp rồi lại gửi tiếp. Cứ vậy làm 4 lần. Cho tới khi các đơn vị không có ý kiến gì thì xem như thống nhất. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện trình tiếp lên Thành ủy, UBND, HĐND…
* Qua nhiều vòng chỉnh sửa, góp ý vì sao văn bản vẫn lọt nội dung trái luật? Có ai phải nhận trách nhiệm gì không?
- Thực tế, Sở Nội vụ đã lấy ý kiến hết chứ không chủ quan, tự ban hành. Có điều là không ai nhận ra vấn đề văn bản cá biệt chứa nội dung quy phạm, ngay cả Sở Tư pháp. Lý do là ngay từ đầu, họ nói văn bản này là văn bản cá biệt. Vì vậy đã không đưa cho Phòng thẩm định văn bản quy phạm thẩm định lại.
Sơ suất nữa là lúc Sở Tư pháp thẩm định thì văn bản vẫn chưa đưa nội dung hoàn chỉnh. Khi hoàn chỉnh gửi lại thì Sở Tư pháp cho rằng đã xem rồi nên không xem lại lần 2. Đúng ra mỗi lần gửi là phải xem hết. Về những sơ suất này, Sở Tư pháp cũng đã nhận trách nhiệm. Bản thân tôi và phòng chức năng coi như năm nay cũng không nhận bình xét thi đua gì. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để khi thực hiện lại bản quy tắc được chặt chẽ hơn.
* Quy tắc ứng xử sau 4 tháng ban hành đã phải bãi bỏ có ảnh hưởng gì đến việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở Cần Thơ?
- Hiện nay đối với cán bộ nhà nước thì nhìn chung cũng có nhiều văn bản quy định. Không phải từ trước giờ không ban hành quy chế này thì không thể quản lý cán bộ. Không ban hành quy tắc ứng xử thì vẫn quản lý được nhưng có văn bản này thì quản lý chặt chẽ hơn.
Trước đó, ngày 1.9.2017, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ký quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ.
Quy tắc ứng xử có 3 chương, 11 điều, gồm những quy tắc ứng xử chung, quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải làm; những việc không được làm... Đặc biệt, tại điểm b khoản 2 Điều 3 (những việc công chức, viên chức phải làm) quy định: “không được mặc quần jean, áo thun các loại (kể cả nam và nữ)”. Ngay san khi ban hành, quy định trên đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Vụ việc càng "dậy sóng" khi Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ chia sẻ lý do loại bỏ quần jean nơi công sở là vì có nguồn gốc "quần của người chăn bò, chăn cừu".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.