Thật ra, có nhiều lý do khiến cho tay chân của bạn lúc nào cũng lạnh như ngâm trong nước đá như vậy.
Sau đây là lý do tại sao bạn luôn cảm thấy lạnh, theo MSN.
Thiếu máu do thiếu sắt trong cơ thể
Nếu bạn liên tục tự hỏi: Tại sao tôi luôn bị lạnh? Nguyên nhân đầu tiên có thể là thiếu máu do thiếu sắt. Chuyên gia dinh dưỡng Alyssa Tucci, từ New York (Mỹ), cho biết các tế bào hồng cầu cần sắt để mang ô xy vào máu, lượng sắt thấp có thể gây tổn thương cho hệ tuần hoàn.
Dấu hiệu rõ ràng nhất là sự lạnh buốt ở tứ chi, đặc biệt là lòng bàn tay và bàn chân. Nguyên nhân do khi thiếu sắt tim ưu tiên đưa máu đến các cơ quan quan trọng như não trước, gây thiếu máu đến lòng bàn tay và chân, theo MSN.
Thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể gây cảm lạnh, tê và uể oải. Vitamin B12 có chức năng tạo hồng cầu. Thiếu vitamin B12 sẽ gây thiếu máu, từ đó dẫn đến cảm giác lạnh.
Thực phẩm giàu B12 gồm trứng, sữa chua và phô mai, vì vậy những người theo chế độ ăn chay thường bị thiếu B12.
Thiếu hoóc môn tuyến giáp
Khi cơ thể không sản xuất đủ hoóc môn tuyến giáp để điều chỉnh quá trình trao đổi chất, lúc nào cơ thể cũng cảm thấy lạnh, theo tiến sĩ Margarita Rohr, chuyên gia nội khoa tại Trung tâm y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ).
Nếu gặp thêm các triệu chứng khác của bệnh tuyến giáp như rụng tóc, táo bón, tăng cân hoặc mệt mỏi, hãy đi xét nghiệm máu vì đây là những triệu chứng của bệnh suy giáp, theo MSN.
Thiếu cân
Thiếu cân có thể làm cho cơ thể luôn cảm thấy lạnh. Chất béo hoạt động như một chất giữ nhiệt, ít chất béo hơn sẽ dẫn đến khả năng giữ nhiệt kém đi. Thêm vào đó, chế độ ăn ít calo có thể làm chậm quá trình trao đổi chất khiến cơ thể tạo ra ít năng lượng hơn để tự làm nóng.
Không ngủ đủ giấc
Không ngủ đủ giấc cũng làm giảm nhiệt độ cơ thể. Suy nhược cơ thể, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể luôn trong tình trạng lạnh. Thêm vào đó, nhiệt độ cơ thể dao động vào ban đêm và cơ thể đã quen với sự dao động này, theo MSN.
Vì vậy, khi ngủ muộn hơn bình thường, nhiệt độ cơ thể vẫn tiếp tục giảm như đang trong quá trình ngủ.
Cơ thể thiếu nước
Khi cơ thể không có đủ nước, lưu thông máu không thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, nước có đặc tính giữ nhiệt, vì vậy khi mất nước, cơ thể không thể duy trì nhiệt độ ổn định. Để đảm bảo cơ thể đủ nước, hãy cố gắng uống nước đều đặn mỗi ngày.
Mắc bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường dễ mắc các loại biến chứng như viêm dây thần kinh ngoại biên, gây tổn thương các dây thần kinh chịu trách nhiệm về các giác quan. Biến chứng bệnh tiểu đường này sẽ làm cho cơ thể luôn cảm thấy lạnh, đau hoặc nóng. Mặc dù thân nhiệt vẫn ổn định, nhưng người bệnh vẫn cảm giác lạnh lẽo. Triệu chứng trên là do bộ não đã truyền tín hiệu lỗi đến tay hoặc chân tạo ảo giác cơ thể đang bị lạnh, theo MSN.
Hội chứng Raynaud
Một số người mắc phải hội chứng Raynaud, gây co thắt ở các động mạch ở tay, chân và mặt, sự co thắt này làm cho việc lưu thông máu trở nên khó khăn hơn dẫn đến cơ thể cảm thấy lạnh hơn.
Tuần hoàn máu kém
Nếu cơ thể luôn cảm thấy lạnh mà không phải do các bệnh mạn tính, nguyên nhân có thể nằm ở hệ tuần hoàn kém bẩm sinh. Cách chữa trị hiệu quả nhất là tập thể dục thường xuyên và châm cứu để mang lại cảm giác cho tay và chân. Khi vận động, các vùng cơ tạo ra nhiệt, giữ cho phần còn lại của cơ thể ấm áp. Hãy duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng trên, theo MSN.
Bình luận (0)