Vấn đề có nên giảm học phí cho sinh viên khi các trường bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 đang được nhiều phụ huynh, sinh viên đặt ra trong thời gian này.
Có nên giảm học phí khi học trực tuyến?
Trong những ngày qua, nhiều sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM phản ứng cho rằng trường tăng học phí vì tiền mỗi tín chỉ một số môn học tăng lên so với năm ngoái. Tuy nhiên, tiến sĩ Bùi Hữu Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc này là do sinh viên hiểu nhầm. Năm nay, trường có điều chỉnh chương trình của một số môn học nên giảm số lượng tín chỉ. Vì vậy, số tiền cho mỗi tín chỉ vì thế sẽ tăng lên. Ông Toàn khẳng định năm nay học phí tất cả các chương trình, các hệ đào tạo không tăng so với năm ngoái.
Giải thích về việc đầu năm nay trường chuyển qua đào tạo trực tuyến vì dịch Covid-19 nhưng không giảm học phí, tiến sĩ Bùi Hữu Toàn giải thích: "Nên hiểu rằng học trực tiếp (offline) hay học trực tuyến (online) đều không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nhà trường vẫn cam kết đảm bảo chất lượng như bình thường, không có sự khác biệt. Ở đây chỉ thay đổi phương thức học tập. Một phương thức là thầy trò gặp nhau trực tiếp trên giảng đường. Một phương thức là thầy trò làm việc với nhau trên môi trường internet. Thậm chí, dạy trực tuyến thầy cô còn vất vả hơn rất nhiều. Trường còn tính đến giải pháp sau dịch sẽ áp dụng kết hợp 70% học trực tiếp và 30% học trực tuyến. Nên cần có cách nhìn đa chiều và toàn diện ở việc dạy trực tiếp và trực tuyến".
Hiện nay, nhiều phụ huynh và sinh viên cho rằng việc học trực tuyến không sử dụng cơ sở vật chất, điện nước..., thậm chí áp dụng phần mềm giảng dạy miễn phí. Vì vậy, phụ huynh và sinh viên cho rằng các trường nên giảm học phí khi giảng dạy trực tuyến. Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn cho biết nên nhìn đến mục tiêu chính nhà trường cam kết là vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiến độ đào tạo, kế hoạch học tập. Lượng kiến thức vẫn đảm bảo đúng với yêu cầu đối với bậc ĐH.
"Thật ra trong chi phí đầu tư, điện, nước, cơ sở vật chất... là phần rất nhỏ so với chi phí của một trường ĐH. Học phí của sinh viên cũng là một phần rất nhỏ có thể bù đắp chi phí duy trì hoạt động của nhà trường. Trường nhận được ngân sách hỗ trợ của Nhà nước rất nhiều chứ không thể chỉ dựa vào học phí", tiến sĩ Toàn cho biết.
|
Không giống như các trường ĐH công lập, học phí của sinh viên tại các trường ĐH tư thục gần như là nguồn thu duy nhất để duy trì hoạt động của nhà trường. Giải thích về lý do không giảm học phí năm nay, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết mỗi năm, trường đều tăng học phí cho khóa sinh viên mới theo cam kết không tăng quá 7%/năm. Tháng 3 vừa qua, trường dự định tăng học phí năm nay lên mức 5%. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, trước tình hình thực tế của dịch Covid-19, trường công bố sẽ không tăng học phí như các năm trước.
"Trong việc đào tạo của một trường ĐH tư thục, khi thu học phí, các trường đều cam kết có những hoạt động, đầu tư dựa trên học phí này như xây dựng cơ sở vật chất mới chẳng hạn. Những việc này đều có lộ trình để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên", tiến sĩ Quốc Anh chia sẻ.
Nên giảm học phí chương trình chất lượng cao
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Sáng lập và điều hành hệ thống học tập trực tuyến Thinking School, cho rằng cả phía trường ĐH và phụ huynh đều có lý của mình. Phụ huynh có một số quan điểm chung như con học trực tuyến trong dịch Covid-19 sẽ có nhiều khó khăn, sinh viên không đến trường thì trường bớt một số khoản đầu tư...
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dũng, chi phí đầu tư cần trải qua một quá trình. Dù học theo hình thức nào thì trường vẫn phải đầu tư. Đúng là khi học trực tuyến, chi phí điện, nước, cơ sở vật chất... trường tiết kiệm được nhưng cũng có nhiều chi phí khác gia tăng. Trường cũng có những khó khăn riêng.
"Dù vậy, phải đảm bảo được một số vấn đề khi trường ĐH giảng dạy trực tuyến. Một là dù học trục tuyến thì chất lượng cũng phải tốt. Gốc rễ cuối cùng là sản phẩm phải tốt. Nếu giảng dạy trực tuyến mà chất lượng tệ hơn thì nên dừng giảng dạy và trả lại tiền. Hai là phải khẳng định việc dạy trực tuyến của trường rất tốt và nếu như có phần nào giảng dạy thiếu thì phải bù cho sinh viên trong tương lai. Chẳng hạn, học trực tuyến môn nào đó không có thực hành, thí nghiệm thì khi học trực tiếp phải bù lại cho sinh viên. Như vậy, chi phí đầu tư vẫn như cũ", tiến sĩ Dũng nhận định.
|
Cũng theo tiến sĩ Dũng, cũng cần phân biệt loại hình trường ĐH. Ở trường công lập hoàn toàn, về bản chất học phí đã quá thấp so với điều kiện sống hiện nay. Học phí đã được Nhà nước bù lỗ quá nhiều. Như vậy thì khó mà giảm xuống nữa. Trường tư thục thì giảm như thế nào tùy vào sự cân đối chi phí của nhà trường.
"Nhưng ở các trường ĐH công lập có chương trình đặc biệt, chương trình chất lượng cao thu học phí cao thì nên giảm học phí trong mùa dịch này. Nhà trường nên ghi nhận những khó khăn, chia sẻ với phụ huynh và sinh viên. Ít nhất cũng nên giảm 15-20%. Tuy nhiên, đó là lựa chọn riêng của các trường", ông Dũng nhận định.
Bình luận (0)