Vì sao phải thay khớp háng và nên thay loại nào?

Duy Tính
Duy Tính
15/05/2018 00:11 GMT+7

Mỗi ngày Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận khoảng 10 trường hợp gãy cổ xương đùi (phần giữa của thân và chỏm xương đùi) ở người lớn tuổi và 80-90% có chỉ định thay khớp háng.

Có người thì mới té ngã bị gãy cổ xương đùi, có người đã té ngã nhiều tháng trời đi khám vì đau, đi không được và được phát hiện khi khám. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.
Thông tin trên được bác sĩ Trần Đăng Khoa, Trưởng Khoa chi dưới, BV Chấn thương chỉnh hình cho biết tại Hội nghị khoa học kỹ thuật BV Chấn thương chỉnh hình ngày 12.5.
Gãy cổ xương đùi
Bác sĩ Khoa giải thích: Cổ xương đùi là vùng yếu nhất của xương người già, chỉ cần một chấn động nhẹ như trượt té chạm mông xuống nền nhà cũng có thể gây gãy. Trong khi người trẻ té ngã thì đứng lên “phủi” mông và đi.
Về điều trị, theo bác sĩ Khoa, cách đây trên 20 năm, khi các khớp háng nhân tạo chưa được sử dụng phổ biến thì khi bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi chỉ được xuyên kim (bắt vít) để xương dính lại với nhau. Tuy nhiên, việc gắn lại như vậy không nối được mạch máu và bệnh nhân phải chờ đợi có lành hay có hoại tử chỏm không?
“Người già trên 60 tuổi thì thời gian sống còn lại ngắn nhưng mất thời gian cho điều trị gãy cổ xương đùi, bởi xuyên kim thì 6 tháng phải mổ lại. Nhưng việc xuyên kim đôi khi tàn phá sức khỏe bệnh nhân và họ không còn sức khỏe để mổ nữa”, bác sĩ Khoa nói.
Có bao nhiêu loại khớp háng? Khi nào cần thay?
Vậy làm sao đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống nhanh và chất lượng cao nhất? Theo bác sĩ Khoa, đó là thay khớp háng. Khớp háng có nhiều loại: toàn phần chuyển động đơn và toàn phần chuyển động đôi. Nhưng khớp đơn dễ bị trật ở trên người già nên giải pháp tốt nhất là thay khớp đôi. Do biên độ cử động của khớp đôi rộng nên hạn chế nguy cơ trật khớp sau khi thay.
Khớp háng toàn phần đơn là khớp chỉ có một chuyển động xoay. Khớp háng toàn phần đôi là khớp có 2 chuyển động xoay.
Tuy nhiên, do khớp háng đôi có biên độ cử động rộng nên độ mài mòn nhiều, chính vì vậy chỉ nên xài cho bệnh nhân trên 60 tuổi, còn dưới 60 thì cố gắng kết hợp xương cho bệnh nhân vì khả năng lành rất cao.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo, với bệnh nhân lớn tuổi thì khi sinh hoạt cần cẩn thận. Đối với người già, cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Khi người già bị gãy xương chứng tỏ chất lượng xương kém cần bổ sung can xi. Khi chẳng may bị gãy cổ xương đùi thì nên đến BV điều trị chứ đừng đi bó thuốc.
“Khi bị té ngã gãy cổ xương đùi và một số bệnh lý gây hoại tử chỏm xương đùi… thì nên thay khớp háng. Tuy nhiên, không phải ai, độ tuổi nào cũng được thay khớp háng và thay khớp háng giống nhau. Cần khám để được bác sĩ chỉ định phù hợp”, bác sĩ Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.