Vì sao tết năm Bính Tuất 1886, người dân Huế thấy rõ long nhan vua Đồng Khánh

22/01/2023 15:33 GMT+7

Thời phong kiến, người dân không dễ gì nhìn thấy mặt nhà vua, vậy mà tết Bính Tuất - 1886 ấy, bỗng dưng người dân kinh thành Huế nhìn thấy rõ long nhan vua Đồng Khánh đi diễu quanh các đường phố! Vì sao có sự lạ đời như vậy?

Tháng 8 âm lịch năm 1885, người anh cùng cha khác mẹ với vua Hàm Nghi là ông hoàng Chánh Mông (Ưng Đường) được người Pháp đưa lên ngôi với niên hiệu Đồng Khánh, sau khi mọi nỗ lực kêu gọi người em trở về cung đều tỏ ra vô hiệu.

Trước đó, sự thất thủ kinh thành ngày 5.7.1885 đã đẩy vua Hàm Nghi ra khỏi cung điện để phải trải qua hơn ba năm trời lặn lội giữa rừng sâu nước độc. Ở cái tuổi 15 - 17, ông trở thành linh hồn của những cuộc kháng chiến anh dũng do các sĩ phu và người yêu nước khởi xướng.

Vua Đồng Khánh, người kế vị vua Hàm Nghi

t.l

Song, mọi sinh hoạt triều chính của tân quân ngay từ những ngày đầu đã không suôn sẻ chút nào. Tại kinh thành, rộ lên tin đồn nhà vua trẻ đang bị Pháp câu thúc, mất hết tự do và sống như một tù nhân. Nhận thấy sự bất lợi của những tin đồn kiểu đó, người chỉ huy lực lượng Pháp tại miền Trung là tướng Prudhomme khá đau đầu.

Ông ta bàn bạc kỹ với các sĩ quan tham mưu và cuối cùng dựng lên một kịch bản để ngăn chặn những tin đồn bất lợi cho cuộc trị an. Theo họ, cách tốt nhất để đính chánh tin đồn vua Đồng Khánh đang bị cầm tù là tạo điều kiện cho nhà vua xuất hiện trên các đường phố trong dịp tết Bính Tuất 1886 để cho mọi người biết là ông vẫn còn đủ tự do.

Kế hoạch lập xong, Prudhomme tạo áp lực lên các quần thần ở cạnh vua để họ thuyết phục nhà vua xuất hành trong mấy ngày tết. Và họ đã đạt được mục tiêu đề ra. Tất cả những chi tiết trong sự kiện này được Đại úy Ch. Gosselin kể lại tỉ mỉ trong tác phẩm L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) xuất bản tại Paris năm 1904.

Vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế vào tháng 7.1885

Tết nguyên đán năm Bính Tuất diễn ra vào ngày 4.2.1886. Không như những ngày tết khác, ngày mồng một tết năm Bính Tuất dành để vua Đồng Khánh tiếp tướng Prudhomme, các sĩ quan và viên chức Pháp thuộc tòa Khâm sứ Huế. Sáng hôm đó, binh lính Việt xếp thành hàng rào danh dự trên sân điện, bên trong, các quan đứng ở giữa thềm điện theo thứ bậc cửu phẩm, bên trái họ là ban nhạc cung đình, bên phải họ là đội kèn đồng của Pháp.

Khi tướng Prudhomme cùng đoàn tùy tùng vừa đến, quan Kinh lược Nguyễn Hữu Độ (cha vợ vua Đồng Khánh) cùng hai quan Thượng thư đã thân hành ra đón và hướng dẫn họ vào điện Thái Hòa, nơi vua Đồng Khánh đang chờ họ. Hôm ấy, nhà vua ngồi trên ngai vàng, mặc hoàng bào bằng lụa màu vàng, thêu những sợi chỉ bằng vàng, đội một chiếc mũ dát châu ngọc.

Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Độ, cha vợ vua Đồng Khánh

tập san BAVH

Khi tướng Prudhomme bước vào điện, vua Đồng Khánh từ trên ngai vàng bước xuống tương kiến, rồi quay lên để nghe những lời chúc tụng của quan chức Pháp. Sau khi quỳ lạy ba lần, cha Hoàng, thông ngôn của nhà vua, bắt đầu dịch bài diễn văn của Prudhomme. Bài diễn văn kết thúc, vua Đồng Khánh đứng lên và chậm rãi đáp từ, cũng qua phần thông dịch của cha Hoàng. Buổi lễ kết thúc với phần công bố ban thưởng huân chương cho các viên chức chỉ huy quân sự và dân sự của Pháp. Tướng Prudhomme nói lời cảm tạ và lui gót với sự đưa tiễn của Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Độ và hai vị thượng thư. Sau khi họ về đến Bộ chỉ huy chưa được bao lâu, người của triều đình đã đưa huân chương đến với những nghi thức thật long trọng. Đó là những mề-đay vàng nhiều hạng bậc, trao ngay cho người được ban thưởng. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.