Vì sao thanh niên không nồi niêu xoong chảo khóc khi cho bán đồ ăn mang về?

09/09/2021 16:11 GMT+7

Đã từng khóc ròng khi TP.HCM cho tạm dừng các dịch vụ kinh doanh ăn, uống mang về, thì nay nghe tin được mở bán trở lại, những chàng trai không nồi niêu xoong chảo người mừng rớt nước mắt, người lại bảo quen rồi.

“Đặt ngay, đặt ngay”

Hơn 2 tháng nay chật vật với việc nấu nướng mọi thứ chỉ bằng cái nồi cơm điện, ngay khi đọc được thông tin từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về, Nguyễn Hồng Ân (ngụ tại hẻm 298 Nơ Trang Long, P. 12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mừng muốn rớt nước mắt.
Ân nói: “Mình chưa kịp đọc tin tức thì hội mấy thằng bạn ở các nơi đã nhắn tin qua bảo là chúc mừng thoát được kiếp vật lộn nấu ăn. Mình liền nhắn lại cho tụi nó là: “Ok, đặt ngay, đặt ngay”, chứ thật sự là thèm nhiều món ăn lắm rồi. Vì có mỗi cái nồi cơm điện, mình chỉ nấu được các món đơn giản, nên 2 tháng nay thèm đủ thứ trên đời luôn”.

Những chàng trai từng chật vật với việc nấu ăn suốt 2 tháng qua, nay mừng muốn rớt nước mắt vì thành phố cho bán đồ ăn mang về

Hồng Ân cho biết không phải vì không biết nấu ăn mà vì bình thường đi làm suốt, lại có cơm trưa ở cơ quan nên thường tối hay la cà ăn uống với bạn bè, thành ra không sắm sửa dụng cụ nấu ăn. Cũng vì lẽ đó mà từ tháng 7 khi dừng dịch vụ bán đồ ăn mang về, Ân đã rất vất vả mỗi lần đến giờ nấu ăn.
Đồng tâm trạng, anh chàng Nguyễn Hoàng Danh (24 tuổi, đang trọ trên đường Lạc Long Quân, Q.11) cho biết rất vui mừng khi nghe được thông tin này, vì anh chàng đã ngán cơm lắm rồi do mấy tháng nay không biết nấu món gì ngoài cơm.
“Vì không được đặt mua mang về, 2 tháng dịch là mình phải tự nấu, cũng đã lên được tay nghề. Tuy nhiên cũng hên xui vì toàn đặt hàng trực tuyến nên nhiều khi trúng miếng thịt không tươi, gà thì lúc quá dai hoặc không dai thì bở. Nên nếu nguyên liệu chưa ngon, thì đa số mình băm ra xong nấu cháo ăn, còn nếu hên nguyên liệu ngon thì mình kho hoặc chiên cho đỡ mất công và ăn với cơm”, Danh kể.

Danh trăn trở là rất có thể phí giao đồ ăn sẽ rất cao trong thời gian này

N.D

Điều hài hước hơn, Danh chia sẻ: “Mỗi lần ngồi phòng trọ ăn cơm mình nấu nhưng bật YouTube xem mọi người review thức ăn để lấy vị, lấy cảm giác. Có lúc thì mở xem món bánh canh cua để tưởng tượng mình cũng đang ăn bánh canh cua, chứ thật sự là cũng ngán cơm lắm rồi. Nên biết được thông tin này thì hôm nay mình cũng đã thử đặt liền luôn”.
Nhưng Danh cho biết vì thông tin còn mới quá, chắc các hàng quán chưa chuẩn bị kịp nên hôm nay anh chàng đặt thử trên các app giao đồ ăn nhưng thấy các quán hầu như cũng chưa mở lại nhiều.
Dù rất vui mừng nhưng Danh cũng trăn trở: “Tuy là bán được trong quận, nhưng nguyên liệu thì khó mua, shipper hoạt động cũng hụt hơi vì nhiêu khê nhiều thủ tục, xét nghiệm tại chỗ, chi phí ăn ở cho nhân viên, thủ tục giấy đi đường… nên mình cũng hoang mang lắm. Hơn nữa chắc phí ship đồ ăn cũng sẽ rất cao trong tình hình này, nên cũng sẽ rất căng nếu đặt đồ ăn thường xuyên”.

Đã quen với việc tự nấu ăn

Giống với Ân và Danh, Hồ Đức Lộc (26 tuổi, ngụ tại Q.9, TP.HCM) hào hứng tưởng tượng: “Ôi bánh tráng trộn, bún đậu, hủ tíu, bún bò, lẩu thái, thêm ít hải sản nướng, ốc các loại... Nếu có thêm dăm ba lon bia ướp lạnh nữa thì ngon hết biết. Thèm những ly trà sữa full topping, thèm ngồi cà kê nhâm nhi ly cà phê rồi ngắm mưa Sài Gòn...Chắc đây là một trong những cái thèm của rất nhiều bạn trẻ ngay lúc này. Mấy tháng rồi mình chưa được ăn những món đó, có nhiều lúc thèm muốn phát điên lên”.
Trong thời gian qua để "đàn áp" lại cơn thèm của mình, Lộc đã trở nên đảm đang hơn, tự chuẩn bị và nấu cho mình những bữa ăn thật ngon, vì lẽ đó mà anh chàng đã học được thêm nhiều món lạ chưa từng làm trước đó.

Lộc dành thời gian mỗi ngày để nấu những bữa ăn ngon và cũng nhờ dịch mà trình nấu ăn của Lộc đã lên một cấp mới

Lộc luôn cố nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bản thân trong mùa dịch

“Nghe tin thành phố cho hoạt động lại các cửa hàng bán đồ ăn mang về. Ôi, thật là hấp dẫn... Mình đang trông đợi để còn được ăn các món ăn mà cả mùa dịch vừa rồi mình không được ăn. Mới nghỉ thôi đã thấy hào hứng rồi. Chắc bây giờ cũng có rất nhiều bạn có cảm giác giống mình đúng không? Nhất là với những bạn trai không nồi niêu xoong chảo và thời gian qua đã khá vất vả trong việc tự nấu cho mình những bữa ăn”, Lộc vui mừng bày tỏ.
Còn Đỗ Thành Nhơn (25 tuổi, trọ trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.9, Q.3, TP.HCM) đã từng “dở khóc dở cười” chia sẻ với người viết: “Chiều ngày 8.7, khi hay tin thành phố sẽ dừng các dịch vụ ăn uống mang về, lúc đó đang trong giờ làm nên mình phải nhắn tin xin sếp được nghỉ làm chiều hôm đó để chạy đi mua nồi cơm điện về ứng biến trong những ngày tới. Do cũng không biết nấu nướng gì nhiều nên chỉ biết thủ sẵn nồi cơm điện để còn có cơm ăn”.
Nhưng hôm nay, khi cho mở lại dịch vụ ăn uống mang về, người viết hỏi thì Nhơn chia sẻ: “Suốt mấy tháng nay mình đã quen dần với việc nấu nướng rồi. Từ những ngày đầu tiên chỉ nấu cơm và ăn đồ hộp. Tiếp đến là những món đơn giản như luộc hoặc hấp chỉ với nồi cơm điện thì dần đã nâng cấp lên với nồi chiên không dầu, nên mình có thể làm được những món kiểu chiên và nướng. Nên khi nhận được tin này mình đón nhận cũng rất bình thường, giờ quen nấu nướng rồi nên với mình sao cũng được, không còn quá lo lắng như những ngày đầu tiên nữa”.

Nhơn khoe những món ăn mình nấu được trong dịch

Nhơn kể 2 tháng nay, cứ cuối tuần không phải làm việc online, Nhơn lại đặt thịt tươi sống về (heo, gà, bò), sau đó sơ chế và ướp cho thấm gia vị. Nhơn chia thành từng túi nhỏ đủ ăn trong 1 ngày và bảo quản bằng ngăn đông.
“Mỗi ngày sáng mình sẽ dậy sớm để nấu cơm đủ ăn cho cả ngày luôn. Khi nồi cơm sôi lên thì sẽ cho rau vào cùng để hấp. Cơm chín là rau cũng chín. Gần tới giờ ăn thì mình chỉ việc rã đông thịt và nấu thôi. Rất nhanh chóng mà bữa ăn vẫn đầy đủ món rau và thịt. Thậm chí có những bữa, mình còn tự nấu được lẩu, bún bò chỉ với nồi cơm điện”, Nhơn kể về “chiến tích” trong mùa dịch của chàng trai chưa từng biết nấu ăn trước đó.
Tuy nhiên, với việc đã cho bán đồ ăn mang về như hiện nay, Nhơn cũng cho biết thỉnh thoảng sẽ đặt thêm đồ ăn khác. “Vì ở 1 mình, nên cũng rất khó để có thể nấu ăn đa dạng, thường ngày chỉ xoay quanh 1 vài món nhất định, dễ chế biến. Vì vậy để thay đổi khẩu vị thì có thể vài ngày lại đặt mang về 1 lần, hoặc những hôm công việc nhiều không có đủ thời gian nấu”, Nhơn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.