Vì sao thịt heo dễ nhập, khó xuất?

08/12/2022 06:28 GMT+7

Có thế mạnh về chăn nuôi nhưng VN lại nhập khẩu gần 200 triệu USD thịt heo, trong khi thịt heo trong nước dư thừa mà không thể xuất khẩu được.

Nhập gần 200 triệu USD, xuất chưa đầy 6 triệu USD

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 89.000 tấn, mặc dù đã giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá trị vẫn đạt gần 200 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh trong tháng 10.2022 dù tăng 113,3% về lượng và tăng 68,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 nhưng cũng chỉ đạt hơn 1.000 tấn và thu về 5,77 triệu USD, chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào… Đáng nói, trong khi con số xuất khẩu thịt heo của VN, nước có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, hết sức khiêm tốn thì thị trường thịt heo toàn cầu có quy mô 28,5 tỉ USD.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P VN, thừa nhận khả năng xuất khẩu hết sức khó khăn. Đầu tiên là điều kiện về thú y, an toàn dịch bệnh. VN hiện nay vẫn còn dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng kéo dài nên ngay yếu tố quan trọng đầu tiên chúng ta đã không đáp ứng được. Thêm vào đó, giá thịt heo sản xuất trong nước vẫn còn khá cao so với các thị trường khác. Giá heo Campuchia hiện nay đã thấp hơn VN và hằng ngày đang có trên 1.000 con heo nhập từ Campuchia vào.

Mặc dù quy mô chăn nuôi heo VN đứng top 10 thế giới nhưng chủ yếu chỉ phục vụ nội địa

Quang Thuần

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho biết: “Điều kiện tiên quyết để được xuất khẩu thịt heo chính ngạch là phải sạch bệnh, không còn dịch, nhưng hiện nay cả nước vẫn có dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng kéo dài. Vì vậy, không đáp ứng được rào cản thú y của các thị trường. Nhưng quan trọng hơn, giá thịt heo trong nước chắc chắn không cạnh tranh được với các nước khác. Nhiều năm trước, VN cũng đã có đàm phán nghị định xuất khẩu thịt heo chính ngạch với Trung Quốc, nhưng các điều kiện thì cũng phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó chúng ta không thực hiện được. Còn xuất khẩu tiểu ngạch chỉ là giao dịch mậu biên, có khi chúng ta xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, nhưng cũng có lúc heo từ Trung Quốc được đưa ngược lại. Trong giai đoạn hiện nay thì xuất khẩu tiểu ngạch cũng rất khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Trí Công, để thịt heo VN xuất khẩu được thì cần phải làm rất nhiều bước, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp.

Đầu vào phụ thuộc nhập khẩu, giá khó cạnh tranh

Thống kê cho thấy hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt, bao gồm heo, gia cầm, trâu bò; chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2 - 5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát. Hiệp hội Chăn nuôi VN cho biết VN thuộc top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi heo với tổng đàn heo trên 23 triệu con, chiếm 70% sản lượng thịt của cả nước.

Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi chủ yếu là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, không gian chuồng trại đa phần nhỏ hẹp, mật độ nuôi cao, năng suất thấp, khó kiểm soát được chất lượng. Theo Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030.

GS-TS Lã Văn Kính, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét: “Số lượng đàn heo của chúng ta nhiều, nhưng hầu hết năng suất thấp. Ngoài vấn đề về con giống, kiến thức về dinh dưỡng cho heo của người nuôi còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã cải thiện rất nhiều về năng suất sinh sản, tăng 33% (từ 17 con lợn con sơ sinh/nái lên 20 con lợn con sơ sinh/nái) nhưng so với bình quân thế giới vẫn rất thấp. Về nguồn thức ăn và dinh dưỡng vật nuôi, mỗi năm chúng ta nhập khẩu từ 10 - 12 triệu tấn nguyên liệu thức ăn cho heo, bao gồm bắp, lúa mì, lúa mạch, cám gạo, cám mì, khô nành... Ngoài ra còn nhập nhiều loại sản phẩm phụ trợ khác cho ngành thức ăn chăn nuôi. Ước khoảng 70% lượng thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đến những hóa chất đơn giản như a xít hữu cơ, chất tạo màu, tạo mùi, kết dính… cũng phải nhập khẩu. Công nghiệp công nghệ sinh học cũng vậy, hầu hết thức ăn bổ sung, các loại vitamin, enzyme… phục vụ chăn nuôi phải nhập khẩu. Thức ăn và dinh dưỡng luôn chiếm phần lớn giá thành trong chăn nuôi, điều này đẩy giá heo thịt tăng lên, khó cạnh tranh khi chế biến, xuất khẩu”.

Vì sao thịt ngoại về VN nhiều ?

Ngày 7.12, tại TP.HCM diễn ra triển lãm thực phẩm quốc tế với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp đến từ những quốc gia phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi như: Mỹ, Úc, Canada hay EU. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một số nhà nhập khẩu thịt cho biết sản lượng thịt nhập khẩu về VN thời gian qua tăng là do thị trường Trung Quốc giảm nhập vì nước này áp dụng chính sách Zero Covid. Điều này thúc đẩy các nhà xuất khẩu thịt các nước giảm giá để tăng cạnh tranh. Mặt khác, khi VN trở thành thành viên của tổ chức CPTPP thì thuế đối với sản phẩm thịt cũng giảm xuống, nhiều mặt hàng về 0%. Nhiều nước thành viên của khối đã khai thác cơ hội này để tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào thị trường VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.