Các cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra trong cộng đồng Hồi giáo trên thế giới sau khi một số nhóm chống Hồi giáo ở Đan Mạch và Thụy Điển gần đây tổ chức các sự kiện công cộng để đốt hoặc làm hư hại các bản kinh Koran - cuốn sách thiêng liêng của đạo Hồi.
Chính phủ ở cả Đan Mạch và Thụy Điển đã lên án các vụ đốt kinh Koran và cho biết họ đang xem xét các luật mới có thể ngăn chặn các hành vi như vậy.
Nhưng điều đó không dễ dàng… khi giới phê bình chỉ ra quyền tự do ngôn luận và biểu đạt được bảo vệ trong hiến pháp của các nước này.
Trong số các hành động như vậy ở Thụy Điển trong tháng qua, có ít nhất 3 lần do Salwan Momika thực hiện. Đây là một người tị nạn từ Iraq phản đối toàn bộ thể chế Hồi giáo.
Và các nhà hoạt động cực hữu ở nước láng giềng Đan Mạch bắt đầu biểu tình chống lại điều mà họ coi là “Hồi giáo hóa” các xã hội Bắc Âu.
Ít nhất 10 bản kinh Koran đã bị đốt ở Đan Mạch trong tuần qua.
Nhà hoạt động cực hữu người Đan Mạch-Thụy Điển Rasmus Paludan – người đứng sau các vụ đốt kinh Koran lẻ tẻ kể từ năm 2017 – trong năm nay đã có số lần thực hiện hành động này nhiều hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ xem xét để đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển được chấp thuận, nhưng trước tiên - việc đốt kinh Koran phải chấm dứt.
Phản đối ngày càng lan rộng – trong đó nhiều người tham gia đốt cờ Thụy Điển và Đan Mạch để trả đũa.
Vào ngày 20.7, hàng trăm người biểu tình - tức giận vì kế hoạch đốt kinh Koran - đã xông vào và phóng hỏa Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad. Vào cùng ngày, Iraq đã trục xuất đại sứ Thụy Điển.
Trên khắp Trung Đông, các đại sứ Thụy Điển và Đan Mạch đã được triệu tập để cảnh báo.
Cố ý đốt kinh Koran bị người Hồi giáo coi là một hành động báng bổ - sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc vì họ xem kinh Koran là lời của Chúa theo nghĩa đen.
Cả Thụy Điển và Đan Mạch đều cho biết họ đang xem xét các cách để hạn chế việc đốt kinh Koran một cách hợp pháp nhằm giảm căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo. Nhưng cho đến nay, cả hai quốc gia đều không có luật cấm đốt kinh Koran.
Bình luận (0)