Vì sao TP.HCM chưa cho F0 đi làm?

24/03/2022 17:52 GMT+7

Lý giải việc chưa cho F0 đi làm như Long An và Cà Mau, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết số ca nặng chưa giảm bền vững, và chắc chắn số ca nhiễm tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng.

Chiều 24.3, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết hôm nay, UBND TP.HCM có văn bản cho phép các trường hợp F1 đi làm, đi học có kiểm soát để tránh lây lan.

Riêng đối với F0, Bộ Y tế chỉ đạo coi đây là người bệnh và điều trị tại nhà, hoặc bệnh viện. Việc nới lỏng biện pháp cách ly của thành phố hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch tốt để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế.

Trả lời câu hỏi vì sao không cho F0 đi làm như một số địa phương khác, bà Mai cho biết qua theo dõi số liệu ca nhiễm, nhập viện và ca tử vong thời gian qua thì tín hiệu đáng mừng là số ca tử vong giảm sâu. Tuy nhiên, số ca nặng chưa giảm bền vững. “Chắc chắn số ca nhiễm tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng. Thành phố đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua”, bà Mai nói.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai lý giải việc chưa cho F0 đi làm trực tiếp

THÀNH NHÂN

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao như hiện nay, TP.HCM đã đạt miễn dịch cộng đồng và coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay chưa?

Trả lời, bà Mai dẫn nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, trong đó Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế rà soát đánh giá các tiêu chí cấp độ dịch, quy định quản lý người nhiễm để đánh giá tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Bà Mai cho biết hiện Bộ Y tế đã trao đổi các chuyên gia trong nước và Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ về vấn đề này và có 4 nhận định quan trọng.

Thứ nhất, dịch Covid-19 trong nước đã ghi nhận các tỉnh thành, như vậy dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở trong gia đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và dịch lưu hành.

Thứ 2, tỷ lệ mắc chưa ổn định, có sự khác biệt lớn giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ nhiễm cao và những địa phương mới có sự gia tăng.

Thứ 3, số ca tử vong theo ngày còn cao so với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Thứ 4, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, và cả biến thể phụ BA.1, BA.2 và BA.2, các biến thể này có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm.

“Các tổ chức kết luận trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là bệnh lưu hành, cần tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức y tế khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để tham mưu Thủ tướng quyết định xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành vào thời điểm phù hợp”, bà Mai dẫn báo cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.