Tại cuộc họp, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay Bộ này đã phân bổ 30 đợt vắc xin Covid-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị.
Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% số vắc xin được phân bổ trên cả nước.
0:00 |
Đến nay, TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên; riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.
Đến ngày 5.9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc xin và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%) trong số phân bổ.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại đã tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.
|
Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.
Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắc xin.
Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.
0:00 |
Dành vắc xin cho mũi 2 nên tỷ lệ tiêm thấp
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề cập đến nguyên nhân tỷ lệ sử dụng vắc xin tại các tỉnh, thành này còn thấp.
Trong đó, đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay, một phần nguyên nhân do lượng vắc xin của các địa phương tiếp nhận lớn và khá gấp.
Quyết định phân bổ vắc xin gần đây nhất mới được ban hành hôm 30.8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Đơn cử, tại Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết 2 ngày tới đây sẽ hoàn tất tiêm 750.000 liều vắc xin Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày; sau đó sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer.
Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10.9 có 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vắc xin.
Lý do thứ 2 của tỷ lệ sử dụng vắc xin thấp, đó là do để đảm bảo vắc xin đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vắc xin phân bổ. Do đó, tỷ lệ vắc xin đã được sử dụng trên tổng vắc xin tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra một số hạn chế khi các địa phương có kế hoạch tổng thể về tiêm chủng, nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện.
Ngoài ra, vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.
Thực tế, qua rà sát lại, tổng số vắc xin đã tiêm ở 4 địa phương này nâng lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, và hiện đã đạt 72% số vắc xin đã tiếp nhận.
0:00 |
Vắc xin về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn
Để sử dụng hiệu quả vắc xin trong chống dịch, bảo vệ người dân, ông Tuyên đề nghị 4 địa phương quán triệt nguyên tắc “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm nhanh nhất” theo tinh thần vắc xin về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn, có vắc xin nào tiêm ngay loại đó.
Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về tiêm chủng vì sau ngày 15.9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm chủng khác nhau.
“Kế hoạch tiêm chủng chi tiết phải hoàn thành trước ngày 10.9; đồng thời cần tính toán việc tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên", ông Tuyên nhắc lại, và yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM chủ động thông báo cho các địa phương trong vòng 24 giờ từ khi có quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Ngay khi nhận thông báo này, các địa phương phải chủ động liên hệ, tổ chức tiếp nhận vắc xin trong 24 giờ.
Bình luận