Vì sao Transnistria, vùng ly khai của Moldova, có thể bị lôi vào xung đột Nga-Ukraine?

30/04/2022 20:00 GMT+7

Lịch sử tranh chấp khiến Transnistria, vùng ly khai mà Moldova từ lâu không kiểm soát được, đứng trước nguy cơ trở thành chiến trường mới trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Một loạt vụ nổ bí ẩn xảy ra tại các khu vực khác nhau ở Transnistria, vùng ly khai của Moldova nơi Nga đã đóng quân trong nhiều năm. Những diễn biến này, cộng thêm phát biểu của một tướng Nga trước đó, đang làm gia tăng lo lắng rằng chiến sự sẽ lan ra ngoài Ukraine, tạo nên một mặt trận giao tranh mới ở Đông Âu.

Ukraine mô tả các vụ nổ là hành động khiêu khích có chủ đích của lực lượng an ninh Nga. Kyiv cũng đã quy trách nhiệm cho Nga về việc bắn tên lửa phá hủy một cây cầu bắc qua cửa sông Dniester nhằm cắt đứt giao thông ở góc tây nam của Ukraine giáp với Moldova.

Trong khi đó, Nga "cực lực lên án những âm mưu nhằm đẩy Transnistria rơi vào những gì đang diễn ra ở Ukraine", đồng thời bác bỏ khả năng chiến sự lan đến vùng ly khai này.

Vùng đất tranh chấp

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 dẫn đến sự xuất hiện của một số khu vực "xung đột đóng băng" ở Đông Âu, theo CNN. Đây là những khu vực thường xuyên bất ổn, chứng kiến sự tranh chấp gay gắt kể từ khi 15 quốc gia hậu Xô Viết ra đời. Những khu vực đó bao gồm các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia nằm trong lãnh thổ Gruzia (Georgia), và dải đất dọc biên giới giữa Moldova với Ukraine được gọi là Transnistria.

Transnistria nằm ở biên giới Moldova và Ukraine.

CNN

Transnistria - vùng đất rộng hơn 3.000 km2 bên bờ đông sông Dniester - từng là nơi đóng quân của Liên Xô trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh. Transnistria tự tuyên bố là nước cộng hòa thuộc Liên Xô vào năm 1990, phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Moldova để trở thành một quốc gia độc lập hoặc sáp nhập với Romania. Khi Moldova giành độc lập vào năm sau đó, Nga đã nhanh chóng đưa đến Transnistria "lực lượng gìn giữ hòa bình" để hỗ trợ những người ly khai thân Nga.

Chiến tranh với các lực lượng Moldova xảy ra sau đó và xung đột kết thúc trong bế tắc vào năm 1992. Transnistria không được quốc tế công nhận, ngay cả với Nga, nhưng chính phủ Moldova đã để vùng lãnh thổ này trở thành một nhà nước ly khai trên thực tế. Sự bế tắc đó đã khiến Transnistria và khoảng 500.000 cư dân bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng.

Kể từ đó, Transnistria đã trở thành nơi đồn trú của quân đội Nga - hiện ước tính có khoảng 1.500 binh sĩ. Họ tự gọi mình là "Cộng hòa Moldova Pridnestrovian" với cờ riêng, hiến pháp riêng và cả một "ngân hàng quốc gia", cũng như kỷ niệm ngày độc lập của riêng mình. Trong khi đó, Moldova gọi vùng đất này với tên chính thức là "Đơn vị Hành chính - Lãnh thổ Tả ngạn Dniester".

Transnistria từ lâu đã sống nhờ vào sản xuất công nghiệp và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của Nga. Một tập đoàn có tên Sheriff gần như hiện diện ở khắp nơi, sở hữu nhiều nhà máy, siêu thị, cây xăng. Một đội bóng ở đây cũng mang tên tập đoàn, FC Sheriff, thi đấu ở giải quốc gia Moldova và năm ngoái đã giành chức vô địch Champions League nổi tiếng trước Real Madrid. Người Moldova, người Nga và người Ukraine cùng chung sống tại khu vực này.

Bất chấp các cuộc đàm phán không thường xuyên với Moldova, triển vọng về một giải pháp cho tình trạng của Transnistria vẫn còn mờ mịt.

Kế hoạch của Nga

Sự quan tâm dành cho kế hoạch dài hạn của Moscow đối với Transnistria chưa bao giờ phai nhạt, và càng gia tăng sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Sự kiện đó củng cố lo ngại lâu nay rằng Moscow sẽ tìm cách kiểm soát miền nam Ukraine. Một khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở rìa phía tây nam của Ukraine giờ đây có thể là mục tiêu tiềm tàng cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Moscow về phía tây, từ khu vực Donbass phía đông Ukraine.

Tháp ăng-ten bị phá hủy trong vụ nổ ở Transnistria.

afp

Chuông báo động ở thủ đô Chisinau của Moldova cũng như các nước phương Tây ngày càng lớn hơn sau khi Moscow nói rằng quyền lợi của người gốc Nga ở Transnistria đang bị xâm phạm. Lập luận kiểu như vậy đã được Moscow sử dụng để tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt", bắt đầu từ miền đông Ukraine nơi có các vùng ly khai mà cư dân gốc Nga chiếm đa số.

Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các quốc gia phương Tây ngay lập tức theo dõi hoạt động ở các khu vực bên ngoài Ukraine, bao gồm cả Transnistria. Một số quan chức ở Kyiv dự đoán rằng đến một lúc nào đó, Nga sẽ huy động lực lượng đóng tại Transnistria, đặc biệt là sau khi Moscow chịu một số thiệt hại đáng kể về quân và thiết bị trong những tuần đầu tiên của chiến sự.

Song tuyên bố trực tiếp và rõ ràng nhất về khu vực cho đến nay là từ Thiếu tướng Rustam Minnekaev, quyền tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, vào hôm 22.4. Hãng thông tấn TASS dẫn lời vị tướng cho biết mục đích của Moscow là tạo ra một hành lang trên bộ giữa khu vực Donbass và Crimea, đồng thời cho biết thêm rằng việc kiểm soát phía nam Ukraine sẽ cho phép lực lượng Nga tiếp cận Transnistria.

Dù vậy, những lời lẽ này vẫn chưa được làm rõ rằng đây là kế hoạch chính thức của Moscow hay chỉ là ý kiến cá nhân của ông Minnekaev. Khi được yêu cầu bình luận về việc này, Điện Kremlin đã từ chối, nói câu hỏi nên được chuyển cho Bộ Quốc phòng Nga.

Duyệt binh ở Transnistria.

epa

Moldova và Ukraine cảnh giác

Hai ngày sau bình luận của ông Minnekaev, một loạt vụ nổ đã xảy ra tại Transnistria. Ngay lập tức, phía Ukraine cho rằng đây có thể là âm mưu của Điện Kremlin nhằm tạo tiền đề cho hành động quân sự.

Bộ Quốc phòng Ukraine trong một tuyên bố nói rằng ba ngày trước khi vụ việc xảy ra, các nhà lãnh đạo của khu vực ly khai này "đã chuẩn bị và cho lắp đặt một boongke an toàn và thoải mái" tại trụ sở cơ quan an ninh của Transnistria, nơi đã bị hư hại trong các vụ nổ.

"Rõ ràng, đây là một trong những biện pháp khiêu khích do FSB (cơ quan an ninh Nga) tổ chức nhằm kích động tâm lý hoang mang và chống đối người Ukraine", tuyên bố nói.

Đến ngày 26.4, các vụ nổ khác xảy ra làm hai tháp ăng-ten hư hại. Địa điểm xảy ra các vụ nổ là "Trung tâm phát thanh và truyền hình Transnistria", được xây dựng vào những năm 1960 và là một trong 14 trung tâm truyền phát vô tuyến thời Liên Xô, theo cơ quan nội vụ Transnistria.

Ukraine cũng cáo buộc Nga bắn tên lửa hành trình vào một cây cầu bắc qua cửa sông Dniester hôm 26.4. Cầu kết hợp đường bộ và đường sắt kết nối Odessa, thành phố cảng lớn nhất Ukraine, với góc tây nam của Ukraine giáp với Moldova. Việc này khiến khu vực về cơ bản bị chia cắt khỏi phần còn lại của Ukraine, theo lãnh đạo quân đội tại địa phương.

Các vụ nổ liên tiếp đã buộc Tổng thống Moldova Maia Sandu phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp với hội đồng an ninh quốc gia. Bà lên án các vụ tấn công tại Transnistria, nói đây là "hành động khiêu khích" nhằm lôi kéo đất nước vào "những hành động có thể gây nguy hiểm cho hòa bình".

Tổng thống Moldova Maia Sandu.

reuters

"Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng có những căng thẳng giữa các lực lượng bên trong khu vực đó và họ muốn làm mất ổn định tình hình. Điều này khiến Transnistria dễ bị tổn thương và tạo ra rủi ro cho Moldova", bà Sandu nói.

Cũng đưa ra kết luận như trên, Phó Thủ tướng Moldova Nicu Popescu hôm 28.4 nói nước này đang đối mặt với "một thời khắc rất nguy hiểm". Moldova là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, đang cố gắng gia nhập EU song vẫn giữ lập trường trung lập về NATO.

Trong khi đó, lãnh đạo của Transnistria, Vadim Krasnoselsky, tuyên bố các vụ "tấn công khủng bố" mới nhất trong khu vực bắt nguồn từ Ukraine. Ông Krasnoselsky trích dẫn kết quả một cuộc điều tra do chính quyền địa phương tiến hành và kêu gọi Kyiv điều tra các nhóm vũ trang được cho là đã xâm nhập vào Transnistria. Theo ông, "các cuộc tấn công này được tổ chức để đẩy Transnistria vào xung đột".

Tại Moscow, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khả năng chiến sự ở Ukraine lan đến Transnistria. Thứ trưởng Andrey Rudenko nói các vụ nổ cho thấy "một số lực lượng nào đó" đứng sau và muốn tạo ra "một tâm điểm căng thẳng khác ở châu Âu", song Nga "muốn tránh kịch bản" trong đó Transnistria bị lôi kéo vào xung đột.

"Chúng tôi kêu gọi kiềm chế ở Chisinau và Tiraspol và quay trở lại tìm kiếm tích cực giải pháp tối ưu cho các vấn đề đang được thảo luận", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 28.4, lên án các âm mưu đẩy Transnistria vào xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.