Vì sao ‘Trò chơi con mực’ không được phát hành ở Trung Quốc?

17/10/2021 11:51 GMT+7

Hầu hết khán giả tại Trung Quốc xem Trò chơi con mực qua các trang phim lậu. Lý do là đơn vị phát hành độc quyền Netflix không hoạt động tại đây và tác phẩm cũng bị cho là không phù hợp hướng phát triển của nước này.

Theo SCMP (South China Morning Post), tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của Trò chơi con mực (Squid Game) tại Trung Quốc không chỉ là vấn đề đối với nền tảng phân phối chính thức của tác phẩm là Netflix, mà còn là trở ngại đối với bất kỳ công ty nào muốn tận dụng sự nổi tiếng của phim để kinh doanh.

Trò chơi con mực không thể "đường đường chính chính" chiếu tại Trung Quốc vì nhiều nguyên nhân

CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Khán giả trưởng thành chỉ được phép xem phim cho trẻ em?

Cô Trương, một cư dân Thượng Hải (Trung Quốc) được mọi người giới thiệu về phim Trò chơi con mực. Cô Trương ngay lập tức biết tìm đến đâu để coi phim, nhưng chắc chắn không phải xem trên Netflix, nền tảng phân phối độc quyền của tác phẩm. Cô Trương tiết lộ bản thân không nghĩ Trò chơi con mực sẽ được phát sóng chính thức ở nước này vì ý nghĩa của phim không phản ánh những giá trị văn hóa chính thống được chính phủ Trung Quốc quảng bá.

Cô Trương nằm trong số hàng chục ngàn cư dân mạng Trung Quốc tìm được nơi thưởng thức Trò chơi con mực bất hợp pháp ở Trung Quốc, từ các trang xem phim lậu, kho video cho phép download và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây. Những nền tảng sai trái này hóa ra lại là công cụ giúp sêri đình đám xứ kim chi gây sốt tại Trung Quốc.

Các chuyên gia phim ảnh cũng như khán giả Trung Quốc đều cho rằng phía kiểm duyệt nước này sẽ không bao giờ phê duyệt cho một bộ phim có nhiều cảnh bạo lực và mang chủ đề bất bình đẳng xã hội như Trò chơi con mực

CẮT TỪ PHIM

Một chuyên gia nhân sự họ Vương, sống ở thành phố Chu Hải (Trung Quốc), biết đến Trò chơi con mực qua một số đoạn clip về phim được lan truyền trên Douyin (TikTok Trung Quốc). Sau đó, anh đã tải toàn bộ 9 tập phim về máy và thức đến 6 giờ sáng để xem hết.

Anh Vương nhận xét: “Chủ đề này không đặc biệt mới, nhưng nhà sản xuất của Hàn Quốc lại biến chất liệu này khi lên phim trở nên tinh vi và khéo léo hơn". Anh bổ sung: “Tiêu chuẩn ở Trung Quốc là người lớn chỉ được phép xem những gì trẻ em có thể xem. Song, một phiên bản đã được kiểm duyệt không có cảnh bạo lực thì lại chẳng có gì để xem".

Việc bỏ tình tiết bạo lực sẽ khiến Trò chơi con mực mất đi bản sắc riêng của phim

CẮT TỪ PHIM

Lee Hye Kyung, chuyên viên nghiên cứu làn sóng Hallyu tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (King's College London) cho biết việc loại bỏ tất cả các cảnh bạo lực và phát hành một phiên bản Trò chơi con mực “sạch sẽ” tại Trung Quốc sẽ khiến bộ phim “biến dạng” đến mức không thể nhận ra.

Lee Hye Kyung chia sẻ: "Tôi không chắc liệu Trò chơi con mực có vượt qua được sự kiểm duyệt của Trung Quốc hay không, vì phim có quá nhiều tình tiết giết người và nội dung cực đoan, nhưng những điều này cần thiết cho cốt truyện phim". Cũng theo Lee Hye Kyung, đứa con tinh thần của đạo diễn Hwang Dong Hyuk khác với Trò chơi vương quyền. Bởi Trò chơi con mực có hơi hướng châm biếm chế độ chính trị. "Mọi người có thể dễ dàng sử dụng các cảnh chính của bộ phim để chế nhạo những kẻ quyền lực", Lee Hye Kyung đánh giá.

Lee Jung Jae trong vai người chơi 456 Seong Gi Hun

poster phim

Kiểm duyệt gắt gao

Năm 2015, Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc yêu cầu tất cả các bộ phim nước ngoài phải đăng ký và có giấy phép trước khi phát sóng tại Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho việc phát hành song song ở trong nước và quốc tế.

Từ khi có quy định mới này, để một phim hay chương trình truyền hình nước ngoài được phát sóng tại Trung Quốc, chẳng hạn như tác phẩm sử thi giả tưởng Trò chơi vương quyền nổi tiếng của HBO, trước tiên phải tìm được một đơn vị phân phối phim ở Trung Quốc sẵn sàng trả tiền bản quyền. Sau đó, phía phát hành cùng bộ phim đó phải trải qua một quy trình kiểm duyệt.

Một cảnh nóng trong Trò chơi con mực

CẮT TỪ PHIM

Nền tảng phát sóng online Tencent (Đằng Tấn) thường xuyên bị chỉ trích vì cắt các cảnh khỏa thân trong Trò chơi vương quyền. Năm 2019, người hâm mộ rất tức giận khi Tencent trì hoãn việc phát hành phần cuối Trò chơi vương quyền vì "vấn đề kỹ thuật", một thuật ngữ thường được sử dụng khi liên quan đến vấn đề kiểm duyệt.

Về tình huống của Trò chơi con mực, mạch phim tàn bạo xen lẫn những cảnh chém giết và quan hệ tình dục khiến tác phẩm này nắm chắc khả năng không được nhà kiểm duyệt Trung Quốc thông qua. Một nhà nghiên cứu họ Bành tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cũng nhận xét siêu phẩm này của Netflix khó có thể được phát hành chính thức ở Trung Quốc. "Rõ ràng là yếu tố bạo lực trong phim vượt quá tiêu chuẩn cho phép của chúng tôi", ông Bành nói.

Sau đúng 1 tháng Trò chơi con mực ra mắt trên Netflix, dù tác phẩm có hot trên toàn thế giới đến đâu thì vẫn chưa có đài truyền hình hoặc nền tảng chiếu phim nào của Trung Quốc dám nhận bản quyền phân phối trong nước vì nhiều lý do

CẮT TỪ PHIM

Nhà nghiên cứu này thảo luận thêm với SCMP: "Đối với các công ty như Tencent và iQiyi, các chương trình do họ tự sản xuất có thể đạt độ phổ biến lớn hơn với chi phí thấp hơn. Còn với các bộ phim cũng như chương trình đã được lan truyền trên mạng như Trò chơi con mực, những nền tảng video của Trung Quốc có thể không sẵn sàng để giúp đơn vị khác tăng lượng người xem đâu”.

IQiyi, Tencent và Youku đều không bình luận gì về chuyện phát hành chính thức Trò chơi con mực. Đây là ba nền tảng lớn nhất thường đưa các chương trình nổi tiếng của nước ngoài đến với khán giả Trung Quốc. Đặc biệt, việc nhiều người “xem chùa” cũng khiến những nhà phát hành này nản chí, không muốn chi trả số tiền lớn cho một bộ phim đã chiếu ở nước ngoài và đã có bản lậu ở trong nước.

Việc một phim/chương trình nước ngoài được Trung Quốc cấp phép phát sóng rất khó vì đất nước đông dân nhất hàn tinh chưa có hệ thống phân loại phim cụ thể

POSTER PHIM

Bất chấp chuyện không có bản phát hành chính thức tại Trung Quốc, Trò chơi con mực vẫn đang “càn quét” mạng xã hội quốc gia này như nhiều nước trên thế giới. Một chủ đề liên quan đến phim đã thu hút 1,9 tỉ lượt xem. Dân mạng Trung Quốc cũng không ngừng bàn luận về tác phẩm, xoay quanh các trò chơi, phân đoạn đắt giá… trong phim.

Các nhà máy và trang thương mại điện tử Trung Quốc cũng “ăn nên làm ra” nhờ sự nổi tiếng của Trò chơi con mực. Trên hai nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Taobao và Alibaba, nhiều người bán chào mời các sản phẩm đắt khách như đồng phục xanh, kẹo đường dalgona…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.