Vì sao viêm dạ dày dễ tái phát?

22/05/2018 05:18 GMT+7

Cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc dẫn đến thói quen ăn uống thất thường là một trong những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh viêm dạ dày có xu hướng ngày càng tăng.

Chuyện càng đáng nói khi đây là bệnh có nguy cơ tái phát cao.
Có nhiều bệnh nhân hay phó mặc bệnh tình cho bác sĩ, thuốc men nên bỏ lơ nhiệm vụ hợp tác của mình trong khi đây là yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị và quyết định nguy cơ tái phát của bệnh.
Có thể nói, dạ dày là một trong những bộ phận phải chịu thiệt thòi nhiều nhất - no quá, đói quá, buồn quá, trạng thái nào cũng bị ảnh hưởng. Cái thói “đỏng đảnh” này không phải bỗng dưng mà có, chẳng qua do dạ dày bị chủ nhân đối xử không công bằng mà thôi.
Bắt đầu từ một đợt đau cấp tính, nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori), thức ăn nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, tình trạng viêm loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm, bệnh dễ tiến triển thành mạn tính. Đời còn gì vui khi hễ chút là đau trong khi hằng ngày phải đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền, thói quen “hết việc mới ăn” không thay đổi được.
Chẳng còn cách nào khác ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần phải tích cực hợp tác thì mới mong chữa trị dứt điểm, ít có cơ hội tái phát, bằng cách: 
1Không để bụng rơi vào tình trạng biểu tình vì đói quá lâu. Trong trường hợp bất khả kháng không thể ăn đúng bữa, cách “chữa cháy” hay nhất là uống nước lọc thường xuyên. Mục đích là để làm loãng a xít trong dạ dày. Nếu không, đây sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày…
2 Không cần phải kiêng cữ tuyệt đối những chất có tính kích thích như thực phẩm có vị chua, trà, cà phê, bia rượu, miễn sao đừng uống khi bụng đói, đừng quá lạm dụng, ngày nào cũng uống thay nước là “tiêu”. Cũng đừng quá tẩy chay những món cay, có thể tăng cảm giác ngon miệng với vị the the vừa đủ mà không “khiêu khích” dạ dày.
3 Nếu được, nên tuyệt giao với món ăn có nhiều dầu mỡ, nước có ga, vì dễ gây đầy hơi, ợ chua.
4 Nhiều người khi có bệnh, thay vì đến bác sĩ thì tự ý mua thuốc uống. Trong khi đó, người bán thường hay cho thuốc theo kiểu bao vây để bệnh mau hết, còn người uống thì không biết rằng, nhiều loại thuốc kháng viêm, giảm đau có chứa thành phần gây hại cho dạ dày.
5 Đành rằng cuộc sống càng hiện đại, càng dễ gây căng thẳng vì áp lực công việc, chưa kể những nỗi lo thường ngày như tiền chợ, học phí cho con, giá xăng tăng cũng khiến đủ đau đầu. Biết vậy, thay vì phải căng mình đối phó, có thể chọn giải pháp “sống chung với lũ”. Ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, sắp xếp công việc hợp lý, tập thể dục đều đặn… là những biện pháp không cho stress có cơ hội tấn công. Trường hợp stress vượt quá giới hạn kiểm soát, thay vì nặng lòng ôm một mối lo, hãy nhờ đến quyền trợ giúp của thuốc điều trị rối loạn lo âu, tất nhiên phải được bác sĩ chỉ định.
6 Ai cũng biết sức khỏe quý hơn vàng, nhưng nếu chỉ vì lý do này mà quan tâm, lo sợ bệnh quá mức sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Tâm ổn thì bao tử mới yên.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, bắp cải là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được công dụng trị bệnh của nó, nhất là bệnh đau dạ dày.
Bắp cải bóc từng lá (không bỏ lá xanh), rửa sạch, chần trong nước sôi, vớt ra để ráo, cho vào máy ép lấy nước, bỏ bã. Một ký bắp cải tươi ép được khoảng 500 - 700 ml nước, có màu vàng xanh, thơm ngọt, hơi hăng hắc. Nước ép nên bảo quản trong tủ lạnh, nếu không sẽ nhanh thiu vì trong bắp cải có có hợp chất sunfua.
Lượng dùng điều trị trung bình trong ngày là 1.000 ml chia làm nhiều lần uống, mỗi lần 200 - 250 ml, uống thay nước. Nếu khó uống, có thể pha thêm đường, muối, uống nóng hoặc lạnh tùy thích. Nên để bớt lạnh rồi mới uống, tốt nhất sau khi ép uống liền để không mất chất.
Mỗi đợt điều trị khoảng 2 tháng, kèm chế độ dinh dưỡng và lao động thích hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.