Vị thừa sai giáo đường Cam Ly và tình yêu Đà Lạt

24/12/2019 06:28 GMT+7

Có thể mượn một tên sách của nhà văn William Saroyan để nói về Marius Boutary ( ảnh ) - vị cha xứ nhà thờ Cam Ly ở Đà Lạt: “Người có trái tim trên miền cao nguyên”. Ngoài nhiệm vụ truyền giáo, ông còn có nhiều hoạt động nhân văn và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa.

Vị thừa sai giáo đường Cam Ly và tình yêu Đà Lạt1

Ảnh: TL

Giáo sĩ Marius Boutary đến Đà Lạt nhận nhiệm vụ truyền giáo trong một thời kỳ khó khăn, có nhiều chuyển biến lớn về chính trị.
Ông sinh năm 1923 tại Mayran (Aveyron), thụ phong linh mục năm 1948 tại Hội Truyền giáo Hải ngoại (Pháp) và đến Sài Gòn trong cùng năm đó. Để trở thành một nhà truyền giáo vùng cao nguyên Đà Lạt, ông đã dành hơn 5 năm học tiếng Việt tại Mỹ Tho và tiếng K’ho tại Di Linh. Ông từng làm Giáo sư Đại chủng viện Sài Gòn, từng được bổ nhiệm làm cha xứ tại nhà thờ Saint-Nicolas (nhà thờ Chính tòa Đà Lạt ngày nay).
Trong công việc mục vụ, ông gắn bó với người Thượng ở Đà Lạt từ những năm cuối thập niên 1940. Năm 1952, Trung tâm Sơn cước Cam Ly được thành lập với mục đích chăm sóc giáo dục, y tế và đời sống tâm linh cho giáo dân bản địa, Marius Boutary đóng vai trò cốt cán. Ông đã tiếp nối nhiệm vụ của một vị thừa sai khác, cha Octave Lefèvre, phụ trách, lèo lái trung tâm này cho đến khi buộc phải rời khỏi Việt Nam (1975).
Vị thừa sai giáo đường Cam Ly và tình yêu Đà Lạt2

Bên trong nhà thờ Cam Ly ngày nay. Ảnh chụp tháng 11.2019

Ảnh: N.V.N

Tình yêu với Đà Lạt và văn hóa người thượng bản địa

Ngoài vai trò một giáo sĩ làm nhiệm vụ truyền giáo, Marius Boutary là một người yêu văn hóa của người Thượng bản địa và yêu Đà Lạt lạ lùng. Trung tâm Sơn cước Cam Ly do ông phụ trách đã kết nối với các dòng tu khác tổ chức lớp học giáo dục con em dân tộc biết tiếng Pháp, Việt và yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đây còn là nơi cấp phát thuốc, chăm sóc y tế và đón tiếp những cộng đồng nhập cư thiểu số mới (như người Thái đến từ phía bắc sau năm 1954), tổ chức lớp dạy nữ công gia chánh và gửi con em dân tộc bản địa đi học ở các trường dòng danh giá khác trong thành phố như: Couvent des Oiseaux, Collège d'Adran... (Theo tài liệu Các cha của Hội Thừa sai Paris với sự hình thành của giáo phận Đà Lạt, tác giả Giuse Bùi Văn Tường).
Và cũng như nhà truyền giáo Jacques Dournes (tác giả của: Rừng, đàn bà, điên loạn; Miền đất huyền ảo; Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương) đã từng bị văn hóa Jơrai mê hoặc, giáo sĩ Marius Boutary đã bị văn hóa người bản địa Đà Lạt quyến rũ. Ông lặng lẽ thực hiện những cuộc điền dã, ghi âm dân nhạc của người Cil dưới chân núi Langbiang, từ các lời ru đến chuyện kể. Cho đến nay, một phần dữ liệu trên còn được lưu trữ trên trang archives.crem-cnrs.fr.
Vị thừa sai giáo đường Cam Ly và tình yêu Đà Lạt3

Các giáo sĩ Pháp và giáo dân bản địa tại nhà thờ Cam Ly

Ảnh: JACK GAROFALO

Cha Marius cũng là người chỉ đạo xây dựng nhà thờ Cam Ly vào năm 1961. Đó là một ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc mang đậm dấu ấn bản địa do linh mục Jean Kermarrec thiết kế bản vẽ.
Năm 1973, đã có nhiều văn bản trao đổi qua lại của Bộ Phát triển sắc tộc gửi cho linh mục Marius Boutary xin hỗ trợ tài liệu sách báo, hiện vật về dân tộc bản địa để sưu khảo, trưng bày, giới thiệu nhân lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu sắc tộc Đà Lạt. Chỉ bấy nhiêu có thể thấy Trung tâm Sơn cước Cam Ly lúc bấy giờ có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu văn hóa bản địa vùng Đà Lạt (Theo Phông bộ phát triển sắc tộc, hồ sơ số 250, Trung tâm lưu trữ quốc gia 2).
Những ngày cuối năm 2019, người viết trở lại ngôi nhà thờ Cam Ly và được các nữ tu nơi đây cho hay cha Marius Boutary đang được tĩnh dưỡng trong một nhà hưu trí dành cho các linh mục ở Pháp. Ông vẫn mong ước một ngày được trở lại thành phố cao nguyên đã từng gắn bó suốt thời tuổi trẻ, gặp lại những giáo dân mà ông đã dạy dỗ, chăm sóc năm xưa.
Để Đà Lạt trở thành đô thị di sản
Cũng với một tình yêu Đà Lạt, ngày 23.12, tọa đàm “Hướng đến xây dựng TP.Đà Lạt trở thành đô thị di sản” đã được tổ chức tại “thành phố ngàn hoa”. Đây là một trong 11 chương trình chính của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8, năm 2019.
Từ khi hình thành năm 1893, qua 126 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có 5 bản quy hoạch đô thị chính thức, với đặc trưng “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, kiến trúc sư, chuyên gia đô thị và nhà quản lý phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc công trình, giá trị văn hóa, con người Đà Lạt. Bên cạnh đó nêu ra những khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn các giá trị di sản đô thị; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị từ các địa phương trong nước và quốc tế... Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trước mắt Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy 3 giá trị cốt lõi gồm: giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa, con người Đà Lạt. Sự tổng hòa của các yếu tố cốt lõi này là cơ sở để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản. 
Lâm Viên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.