Tự động phát
Không chỉ hết lòng với người bệnh, các y bác sĩ còn động viên, khích lệ nhau và còn đem hương vị tết đến với khu cách ly.
Cùng nhau xuống tóc chống Covid-19
Bên trong Bệnh viện số 2 (P.Hà Khánh, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), nơi đang có 26 bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị, cùng hơn 240 trường hợp F1 theo dõi sức khỏe, không khí trở nên tất bật hơn khi tết đã về đến.
Mặc dù đang phải căng mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhưng tết đến xuân về, ai cũng mong nhớ về gia đình dù là y, bác sĩ hay bệnh nhân. Thấu hiểu điều đó, Bệnh viện số 2 đã cố gắng đem không khí tết về với khu cách ly để mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm động lực để chiến thắng dịch bệnh.
|
Những thùng bánh kẹo, bánh chưng, cành đào, chậu quất gửi từ bên ngoài nhanh chóng được Tổ công tác xã hội Bệnh viện số 2 trang trí cho khu cách ly. Trong khi đó, nhiều nhóm y tá cũng tất bật lau dọn các phòng nghiệp vụ, bày biện lại đồ dùng chuẩn bị đón giao thừa đã cận kề.
Thú vị hơn cả là “tiệm cắt tóc” ở khuôn viên Bệnh viện số 2, nơi các bác sĩ xếp hàng chờ… cạo đầu. Bác sĩ Lê Thanh Tĩnh (nguyên cán bộ Bệnh viện Lao và phổi Quảng Ninh), cho biết 4 ngày nay đã có 12 bác sĩ, điều dưỡng cùng nhau "xuống tóc", quyết tâm đẩy lùi Covid-19.
|
"Việc các bác sĩ nam cạo trọc đầu; còn bạn nữ cắt tóc ngắn đi sẽ giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, điều trị cho bệnh nhân. Không những vậy, còn giúp tiết kiệm thời gian thay, mặc đồ bảo hộ trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng từng ngày”, bác sĩ Tĩnh nói.
Không chỉ tất bật cho một cái tết đặc biệt trong khu cách ly của Bệnh viện số 2, các y bác sĩ còn tiếp sức cho nhau bằng những lời ca tiếng hát sau mỗi cuộc họp, hội chẩn… khiến mọi người vui tươi hơn.
Giao thừa đặc biệt
Từ tháng 2.2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 1 tại TP.Móng Cái, bác sĩ Dương Văn Linh (nguyên cán bộ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) đã lên đường nhận nhiệm vụ. Nay dịch bùng phát trong nội địa, bác sĩ Linh lại vào khu cách ly để cùng đồng nghiệp tham gia cuộc chiến mới chống dịch Covid-19 khi tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề.
“Ai cũng nhớ gia đình, tôi vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để gọi video call cho bà xã. Vợ tôi cũng làm trong ngành y tế và phải trực tết như mình. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm yêu nghề, chúng tôi vượt qua khó khăn này để thực hiện nhiệm vụ cao cả mà nhà nước giao cho, luôn ở bên bệnh nhân để đẩy lùi Covid-19. Đây quả là một giao thừa đặc biệt, tôi và mọi người sẽ đón một cái tết vất vả hơn nhưng dịch bệnh nhất định được khống chế, đẩy lùi”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Linh, dù công việc hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với người mắc Covid-19 nhưng mọi người đều tuân thủ các quy định, tránh để lây nhiễm chéo.
Làm việc từ những ngày Bệnh viện số 2 được thành lập, bác sĩ Nguyễn Đức Đợi (vốn công tác ở Bệnh viện Lao và phổi Quảng Ninh) đã không được đón đứa con thứ 2 chào đời. Hồi tháng 3.2020, khi anh sắp được về với gia đình để chăm vợ chuẩn bị sinh thì bệnh viện nhận thông báo tiếp nhận ca mắc Covid-19. Nay, bác sĩ Linh, bác sĩ Đợi lại thêm một cái tết nữa xa gia đình.
|
"Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đã là y, bác sĩ chúng tôi phải luôn ở bên người bệnh. Với quyết tâm chống dịch của toàn dân, gia đình tôi cũng như tất cả các gia đình sẽ được đón mùa xuân mới an toàn, hạnh phúc và chiến thắng dịch bệnh", bác sĩ Đợi chia sẻ
Chỉ còn vài tiếng nữa là đến thời khắc giao thừa, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín bưng, trong khi thời tiết khá nóng, dễ làm cơ thể mất nước nhưng những người lính áo trắng làm nhiệm vụ. Họ thăm khám và chia sẻ với các bệnh nhân cũng trong tâm trạng mong nhớ gia đình khi năm mới sắp đến.
Bình luận (0)