3 phút tìm hiểu về xung đột chết người trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc
17/06/2020 15:10 GMT+7
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực tranh chấp giữa biên giới hai nước ở dãy Himalaya đã leo thang lên thành các cuộc đụng độ chết người. Vụ va chạm này có thể để lại những hậu quả gì?
Tự động phát
Chuyện gì đã xảy ra?
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả đêm 15.6 xảy ra tại thung lũng Galwan thuộc khu vực đang trong tình trạng tranh chấp Ladakh. Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua biên giới 2 lần, "khiêu khích và tấn công lực lượng Trung Quốc".
Cả hai bên khẳng định không nổ súng. Phía Ấn Độ thuật lại rằng hai bên ẩu đả bằng tay không, gậy sắt và ném đá.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này cũng có thương vong nhưng không công bố chi tiết. Báo chí Ấn Độ dẫn nguồn tin quân đội cho biết 43 lính Trung Quốc thương vong.
Quan chức quân sự hai nước sau đó đã gặp mặt để "tháo ngòi nổ tình hình", theo quân đội Ấn Độ.
|
Tại sao họ lại ẩu đả?
Nhiều năm qua, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều khẳng định lãnh thổ trên cao này thuộc quyền sở hữu của mình. Phần lớn là những khu vực không người ở. Quân đội hai nước trực tiếp đối mặt tại nhiều điểm dọc biên giới chung dài 3.440 km.
Vụ đụng độ vừa rồi xảy ra sau nhiều tháng hai bên căng thẳng vì con đường Ấn Độ mới xây ở Ladakh, dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Ấn Độ-Trung Quốc. Trung Quốc triển khai quân đội và xây dựng nhiều tòa nhà trong lãnh thổ đang tranh chấp, đẩy lực lượng hai bên đến gần nhau hơn và gia tăng nguy cơ đụng độ.
|
Vụ đụng độ này nghiêm trọng cỡ nào?
Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều xem khu vực này mang tầm chiến lược quan trọng, đặc biệt về mặt kinh tế và quân sự. Nếu không hòa giải được, tình trạng căng thẳng có thể để lại hậu quả gây mất ổn định cho khu vực.
Thương vong trong vụ đụng độ vừa rồi cũng là những cái chết đầu tiên trong hơn 45 năm tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chiến tranh giữa hai nước từng nổ ra một lần vào năm 1962, khi đó Ấn Độ thua trận nặng nề.
|
Trong vài ngày gần đây, tướng lĩnh quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần đàm phán để giải tỏa căng thẳng ở khu vực biên giới.
Tuy nhiên, những nỗ lực tương tự trong quá khứ cũng không thành công. Nếu hòa giải không thành, nguy cơ căng thẳng ngày càng tăng giữa hai đối thủ có dân số đông nhất nhì thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)