Bằng “cây gậy và củ cà rốt”, Ả Rập Xê Út lôi kéo đầu tư nước ngoài

06/04/2021 16:00 GMT+7

Nhiều công ty nước ngoài đồng ý chuyển trụ sở khu vực từ Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đến Riyadh (thủ đô Ả Rập Xê Út). Điều này cũng đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý cho Ả Rập Xê Út.

Công ty công nghệ Mỹ CSG vừa chuyển trụ sở khu vực từ Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đến Riyadh (thủ đô Ả Rập Xê Út). Thủ tục dễ dàng đến đáng kinh ngạc - văn phòng mới được thiết lập và đi vào hoạt động chỉ trong vòng 2 tháng. Và điều này cũng đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý cho Ả Rập Xê Út.

Nhiều công ty đồng ý chuyển trụ sở khu vực đến Riyadh.

Reuters

Dubai có thể vẫn là trung tâm kinh doanh của khu vực vùng Vịnh, nhưng Ả Rập Xê Út đang lao vào cuộc chơi quyết liệt để bắt kịp thế giới trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình, giảm lệ thuộc dầu mỏ. Một tối hậu thư của Ả Rập Xê Út vào giữa tháng Hai đã khiến cho nhiều công ty phải suy xét lại chiến lược của họ. Từ 2024, các công ty muốn ký hợp đồng với chính phủ ở nền kinh tế lớn nhất Trung Đông bắt buộc phải đặt văn phòng tại đây.
Cùng với bước đi cứng rắn trên, chính phủ đã tiến hành các cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này nhắm tới mục đích làm cho vương quốc trở thành một nơi dễ dàng sinh sống và làm việc hơn, cũng như dẹp bỏ thủ tục quan liêu. Ông James Kirby, người đứng đầu hoạt động khu vực của công ty CSG, cho rằng nhiều công ty có thể sẽ mở trụ sở tại Riyadh.
“Sự hỗ trợ nghiêm túc mà chính phủ Ả Rập Xê Út đang đặt theo sau những sáng kiến của họ - ủng hộ bằng hành động thực tế - thực sự rất đáng khích lệ. Tôi hy vọng rằng các công ty khác sẽ làm theo. CSG không phải là công ty duy nhất trong làn sóng đầu tiên này”.
Vào đầu tháng 2.2021, hãng thông tấn nhà nước cho biết 24 công ty quốc tế đã ký thỏa thuận thành lập các văn phòng khu vực chính tại Riyadh. Danh sách bao gồm PepsiCo, Deloitte và PwC. Trong những cải cách kinh tế do Thái tử Mohammed bin Salman tiến hành, Ả Rập Xê Út đã tăng lên 30 bậc kể từ 2019 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới.
Hiện tại Saudi được xếp ở vị trí 62, mặc dù vẫn còn thua xa Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ở vị trí 16.

Ả Rập Xê Út đã tiến hành các cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Reuters

Hiện nay, để có được giấy phép nhà đầu tư nước ngoài, các công ty chỉ cần 2 loại giấy tờ thay vì 12 và chỉ mất ba giờ thay vì ba ngày. Riyadh dự định thu hút 500 công ty nước ngoài vào năm 2030, đồng thời đang xây dựng các khách sạn mới, hệ thống tàu điện ngầm và khai trương hãng hàng không mới để thúc đẩy động thái này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng Riyadh vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy để cạnh tranh với Dubai, bao gồm nhiều trường quốc tế hơn. Giới đầu tư cũng còn nhiều lo lắng về việc Ả Rập Xê Út phải đối mặt với một loạt chỉ trích của phương Tây về vi phạm nhân quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.