Căng thẳng Israel - Hamas vì sao leo thang thành xung đột khốc liệt?
17/05/2021 16:00 GMT+7
Đã có ít nhất 197 người Palestine và khoảng người Israel thiệt mạng trong xung đột nghiêm trọng nhất ở khu vực này nhiều năm qua. Sau đây là lý do tại sao tình hình lại trở nên nghiêm trọng như vậy.
Tự động phát
2 tác nhân chính
Biểu tình phản đối nổ ra sau khi nhiều người Palestine bị trục xuất khỏi nhà ở khu Sheikh Jarrah (đông Jerusalem).
Dù những vụ trục xuất này đã bị tòa án tối cao Israel tạm ngừng, nhưng đây là một phần trong chiến dịch dài hơi được chính phủ Israel tài trợ nhằm chuyển các khu định cư của người Do Thái vào các khu vực người Palestine sinh sống ở vùng đất phía đông Jerusalem hiện đang tranh chấp.
|
Khu vực này đã bị Israel xâm chiếm sau cuộc chiến năm 1967 và động thái sáp nhập của Israel sau đó không được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận.
Tác nhân thứ 2 là những hạn chế áp đặt lên người Palestine trong thời gian lễ Ramadan của người Hồi giáo, vừa kết thúc hôm 12.5.
Trong nhiều năm, người Ả Rập gốc Israel và người Palestine tập trung tại cổng Damascus của thành cổ Jerusalem để ăn mừng trong lễ Ramadan. Năm nay, cảnh sát Israel dựng rào chắn trong khu vực và hạn chế số người được vào thành.
Sau nhiều phản đối, các rào chắn sau đó bị gỡ bỏ, nhưng cảnh sát Israel lại tràn vào khu vực xung quanh đền al-Aqsa - một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo và Do Thái giáo.
|
Người Hồi giáo được phép cầu nguyện ở đây, còn người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo thì không được. Cảnh sát Israel nói họ chỉ hành động vì người Ả Rập đang thu gom gạch đá để sử dụng trong một cuộc bạo động.
Nhiều nhân chứng cho biết giao tranh nổ ra sau khi cảnh sát ập vào ngôi đền, bắn hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Hàng trăm người Palestine bị thương. Israel cho biết ít nhất 21 cảnh sát cũng bị thương.
Một trong hai lãnh thổ chính của Palestine, Dải Gaza, do lực lượng Hamas kiểm soát. Hamas đã đưa ra tối hậu thư đòi Israel rút quân khỏi Sheikh Jarrah và Al-Aqsa.
Sau đó, Hamas bắt đầu nã hỏa tiễn vào Israel. Quân đội Israel trả đũa bằng các cuộc không kích. Các xe tăng Israel cũng được triển khai để nhắm vào các đường hầm ngầm đi xuyên từ Gaza vào Israel.
|
Đã có nhiều thương vong nhân mạng. AP đưa tin hàng trăm người Palestine biểu tình ở Bờ Tây và ít nhất 11 người đã bị cảnh sát bắn chết trong các cuộc đụng độ.
Có gì khác biệt lần này?
Sau chiến tranh Israel-Gaza năm 2014, bạo lực chưa từng leo thang nghiêm trọng như hiện tại.
Trong năm 2014, có 2.251 người ở Gaza thiệt mạng, trong đó có 1.462 dân thường. Về phía Israel, có 67 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng.
|
Vài ngày qua chứng kiến đợt tấn công bằng hỏa tiễn dữ dội nhất kể từ năm 2014.
Bên cạnh đó, xung đột còn nổ ra giữa các cộng đồng Do Thái và Ả Rập gốc Israel khắp đất nước. Hàng xóm tấn công lẫn nhau khiến Tổng thống Israel Reuven Rivlin so sánh tình hình như trong “một cuộc nội chiến”.
Căn nguyên từ hàng chục năm trước
Tiến sĩ H.A. Hellyer, cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh ở London và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington D.C., cho biết: “Cuộc đối đầu trong tuần qua không phải là chuyện của tuần qua, thậm chí không phải chuyện của vài tuần trước hoặc vài tháng trước”.
Theo ông Hellyer, có nhiều vấn đề đã tồn tại trong nhiều thập niên, nổi bật nhất là việc Israel tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ của người Palestine, gồm phía đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza, cũng như “việc chiếm đoạt và tước quyền của người Palestine”.
|
Người Palestine sinh ra ở đông Jerusalem, Bờ Tây hoặc Gaza không được cấp quốc tịch Israel, mặc dù những người sinh ra ở đông Jerusalem được cấp thường trú nhân của Israel để sau đó có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch. Nhiều hoạt động di chuyển hàng ngày của người Palestine bị hạn chế bởi các trạm kiểm soát của Israel.
Theo Tiến sĩ Yossi Mekelberg, cộng sự của tổ chức tư vấn Chatham House ở London, tình trạng bất bình đẳng dẫn đến “xung đột tôn giáo và dân tộc chưa được giải quyết giữa 2 cộng đồng”. Ông nhận định giải pháp “2 nhà nước” đã có thể giải quyết được xung đột.
Hiện tại chỉ có Israel được hưởng quyền tự quyết, còn Palestine thì không. Sự bất bình đẳng tiềm ẩn khiến căng thẳng luôn âm ỉ và khi có sự cố xảy ra, xung đột chắc chắn sẽ bùng nổ.
Bình luận (0)