Đại dịch Covid-19 khiến hơn 33.000 người tử vong toàn cầu

30/03/2020 09:16 GMT+7

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 30.3.2020, cả thế giới đã ghi nhận 720.117 người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra , trong đó có ít nhất 33.925 người tử vong.

Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 149.082 ca hồi phục hoàn toàn. Đến nay, Covid-19 đã lây lan ra ít nhất 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Reuters.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 140.880 ca, trong đó có ít nhất 2.467 ca tử vong.
New York, bang bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất tại Mỹ, ghi nhận 237 ca tử vong mới và 7.195 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng tình hình phòng chống dịch ở New York sẽ giống như tại Ý, khi các nhân viên y tế làm việc quá tải, bệnh viện thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ và máy thở.

Khung cảnh New York vắng lặng vì người dân hạn chế ra đường, chống đại dịch Covid-19 lây lan.

Reuters

Tổng thống Donald Trump đã mở rộng lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội thêm 30 ngày nữa sau khi một chuyên gia y tế cấp cao của Mỹ cảnh báo số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên đến 200.000 người. Lệnh hạn chế trước đó dự kiến kết thúc vào ngày 30.3.
Hãng Reuters tối 29.3 dẫn nguồn từ Cơ quan Phòng vệ dân sự Ý cho hay số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này là 756 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp Ý có số ca tử vong giảm.
Trước đó, Ý ghi nhận 919 ca tử vong trong ngày 27.3 và 889 ca trong ngày 28.3. Tính đến cuối ngày 29.3, Ý ghi nhận tổng cộng 10.779 ca tử vong và tiếp tục là nước có số tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ chiếm hơn 1/3.

Đưa tang một nạn nhân Covid-19 tại Ý.

Reuters

Về các trường hợp nhiễm Covid-19, Ý ghi nhận thêm 5.217 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 97.689. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất tại Ý kể từ ngày 25.3. Cả nước ghi nhận 13.030 ca hồi phục, trong khi vẫn còn 3.906 người phải chăm sóc tích cực.
Cùng ngày, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 838 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, kỷ lục buồn cao nhất trong ngày, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 6.528.

Chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Đức.

Reuters

Số ca nhiễm tại Tây Ban Nha là 78.797. Giới chức nước này cho rằng mức tăng chậm hơn của các ca tử vong và nhiễm bệnh cho thấy dịch bệnh sắp đạt đỉnh điểm. Bên cạnh đó, có 14.709 người đã hồi phục.
Tại Anh, phó giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Jenny Harries nói rằng một số hình thức giới hạn đi lại có thể phải kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn và cho biết chính phủ Anh sẽ xem xét lại lệnh giới hạn sau mỗi 3 tuần, đồng thời cảnh báo Anh sẽ hứng đợt dịch quay lại nếu dỡ bỏ sớm.
Tính đến ngày 29.3, Anh ghi nhận 19.522 ca nhiễm Covid-19, với 1.228 ca tử vong và 135 ca hồi phục.
Đức và Pháp đến sáng 30.3 ghi nhận số ca nhiễm lần lượt là 62.095 và 40.708. Số ca tử vong tại hai quốc gia trên lần lượt là Đức với 533 ca và Pháp với 2.611 ca.
Tình hình Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng diễn biến phức tạp.
Đến sáng 30.3, nước này ghi nhận 1.815 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 9.217 ca. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 131 ca. Đã có 105 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Xịt sát khuẩn chống dịch Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Reuters

Theo Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca, Thổ Nhĩ Kỹ đã thực hiện 9.982 xét nghiệm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, tổng số xét nghiệm được thực hiện từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây là 65.446.
Các nhân viên y tế toàn cầu hiện phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh khi tham gia cuộc chiến chống Covid-19.
Tây Ban Nha ghi nhận ít nhất 9.944 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, theo Giám đốc Trung tâm điều phối về tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia Fernando Simon. Trang EuroWeekly dẫn báo cáo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy 23% nhân viên y tế vùng Costa-del-sol nhiễm virus sau khi dùng nhà vệ sinh tại bệnh viện.
Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Philippines cho biết có 9 bác sĩ tại nước này tử vong vì Covid-19 và đội ngũ nhân viên y tế không được trang bị bảo hộ đầy đủ, theo AFP. Theo thông báo của các bệnh viện, Philippines có hàng trăm nhân viên y tế đang tự cách ly trong vòng 14 ngày do có nguy cơ nhiễm.

Nhân viên y tế tại Ý cầm bảng ghi tên quê hương của mình.

Reuters

Trước đó, Trung Quốc ghi nhận 3.300 ca nhiễm Covid-19 là nhân viên y tế, trong đó có 13 người tử vong.
Vào cuối tháng 2, ít nhất 124 nhân viên y tế tại Trung tâm y tế UC-Davis (Mỹ) phải cách ly sau khi tiếp xúc với 1 bệnh nhân nhưng không biết người này nhiễm Covid-19. Theo Đài ABC, sau vụ việc, các bệnh viện tại Mỹ thay đổi quy trình nhằm đảm bảo xác định bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn sớm nhất.
Tại khoa y tế khẩn cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang N95 toàn thời gian khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh viện khác tại Mỹ cũng sử dụng trang thiết bị bảo hộ vượt mức khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Các chuyên gia kết luận rằng nhân viên y tế cần phải đeo khẩu trang y tế và giữ vệ sinh theo quy trình bao gồm việc giữ khoảng cách, rửa tay đúng cách và tuân thủ quy trình khử trùng.

Lấy bệnh phẩm từ mũi để xét nghiệm Covid-19.

Reuters

Tờ South China Morning Post ngày 29.3 dẫn nghiên cứu vừa công bố cho rằng SARS-CoV-2 gây Covid-19 có thể đã âm thầm lây nhiễm ở người trong nhiều năm hay thậm chí nhiều thập niên qua, trước khi bùng phát thành đại dịch.
Các chuyên gia hàng đầu tại Mỹ, Anh và Úc xem xét rất nhiều dữ liệu của giới khoa học thế giới về bằng chứng tiến hóa của virus Corona chủng mới gây Covid-19 và nhận thấy virus có thể đã truyền từ động vật sang người từ lâu trước khi phát hiện tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Dù có thể có các khả năng khác, các nhà khoa học cho rằng virus corona gây dịch Covid-19 có đột biến không xuất hiện trên các động vật nghi nhiễm, nhưng dường như xảy ra trong quá trình lây nhiễm trên người ở phạm vi nhỏ và lặp lại nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.