Đường Kiểm soát Thực tế ngăn giữa Ấn Độ - Trung Quốc là gì?

19/06/2020 08:21 GMT+7

20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả với quân đội Trung Quốc đêm 15.6 tại khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya. Dù "Đường Kiểm soát Thực tế" (LAC) đã được đặt ra tại khu vực này từ sau cuộc chiến giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962, trên thực tế LAC không thể ngăn chặn xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân.

"Đường Kiểm soát Thực tế" là gì?

60 năm trước, giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra chiến tranh vì tranh chấp biên giới. Cuộc chiến kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn năm 1962.
Tại khu vực trên cao thuộc dãy Himalaya chia cắt hai quốc gia, không có đường biên giới chính thức nào được đồng thuận. Thỏa thuận 1962 thiết lập "Đường Kiểm soát Thực tế" dài hơn 3.300 km.
Kể từ đó, hai quốc gia nỗ lực giữ hòa khí. Tuy nhiên mỗi khi có bạo lực bùng phát tại khu vực này, cả thế giới đều lo lắng theo dõi.

Hình ảnh thung lũng Galwan trên dãy Himalaya chụp từ vệ tinh.

Reuters

Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số quốc gia đông dân nhất thế giới, đều sở hữu vũ khí hạt nhân, có tinh thần dân tộc cao.
Trong vài tháng gần đây, căng thẳng giữa binh sĩ hai nước gia tăng. Đêm 15.6, bạo lực đạt đỉnh điểm khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ ẩu đả. Đây là lần đầu tiên sau hơn 45 năm có chạm trán dẫn đến thương vong nhân mạng ở khu vực có độ cao hơn 4.200m này.

Vì sao chưa hòa thuận?

"Đường Kiểm soát Thực tế" được tạo ra để làm ranh giới và giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1962, nhưng nhiều khu vực vẫn ở trong tình trạng tranh chấp. Cả hai nước nỗ lực khẳng định chủ quyền bằng cách tăng cường xây dựng đường sá, đường điện thoại và sân bay cũng như triển khai quân tuần tra liên tục.

Xe tải của quân đội Ấn Độ đi tuần tra tại Ladakh sau vụ đụng độ đêm 15.6.

Reuters

Đường ranh giới chạy xuyên qua khu vực Ladakh, là một phần của Kashmir nhưng ít được nhắc tới. Ladakh giáp ranh với Tây Tạng, đôi khi còn được gọi là "tiểu Tây Tạng".
Nằm ở ngã tư của nhiều tuyến đường thương mại quan trọng, lãnh thổ này có lịch sử dày hoạt động giao thương.Tuy nhiên mọi thứ kết thúc khi Trung Quốc đóng cửa biên giới với Tây Tạng và Trung Á trong thập niên 1960. Hiện tại, khu vực ít người này là một điểm đến du lịch nổi tiếng.

Điều gì dẫn đến tình trạng đối đầu hiện nay?

Tháng 5.2020, một vụ ẩu đả lớn bùng phát giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đóng trên dãy Himalaya. Kể từ đó, quân đội hai nước tăng cường lực lượng thêm hàng ngàn binh sĩ.
Các chuyên gia Ấn Độ khẳng định Trung Quốc đã tăng cường thêm xe tải, máy xúc, xe chở quân, pháo binh và xe bọc thép cũng như đang xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.
Khi cả thế giới đang phải giải quyết đại dịch Covid-19, Bắc Kinh gần đây đã ra sức thể hiện sức mạnh cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Đối với Ấn Độ, các cuộc thâm nhập của Trung Quốc tại nhiều điểm dọc theo đường phân giới đã làm dấy lên nghi ngờ về một chiến dịch gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.

Đám tang đại tá B.Santosh Babu, người thiệt mạng trong vụ ẩu đả đêm 15.6 được đông đảo người dân Ấn Độ tham dự.

Reuters

Vụ đụng độ vừa rồi xảy ra sau nhiều tháng hai bên căng thẳng vì con đường Ấn Độ mới xây ở Ladakh, dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ-Trung Quốc. Ấn Độ khẳng định con đường mới hoàn toàn nằm trong lãnh thổ nước này.
Báo cáo từ cả hai bên khẳng định không nổ súng. Phía Ấn Độ thuật lại rằng hai bên ẩu đả bằng tay không, gậy sắt và ném đá, và ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc không công bố số liệu thương vong. Hiện vẫn chưa rõ động thái tiếp theo của Ấn Độ sẽ là gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.