Hàn Quốc và Triều Tiên, 2 miền bán đảo đón năm mới khác nhau ra sao?
12/02/2021 14:47 GMT+7
Trang Korea.net đã chọn ra một số các từ khóa cho thấy sự khác biệt trong cách miền nam và miền bắc Triều Tiên tổ chức đón năm mới (Seollal) dựa theo thông tin trên trang web của Bộ Thống nhất.
Tự động phát
Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ đón năm mới truyền thống của một số quốc gia châu Á trong đó có cả Hàn Quốc và Triều Tiên, còn gọi là Seollal. Tuy nhiên, hai miền trên bán đảo Triều Tiên có một số khác biệt trong cách đón Tết.
Cách chào hỏi năm mới
Khi gặp gỡ mọi người trong lễ Seollal, người Hàn Quốc sẽ nói “Saehae bok mani badeuseyo” (Chúc bạn nhận được nhiều may mắn trong năm mới), trong khi người dân Triều Tiên sẽ chào đơn giản “Saehaereul chuckhahabnida” (Chúc mừng năm mới).
Ngày đầu năm
Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok, thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện, và gặp gỡ mọi người.
|
Trong khi đó, Triều Tiên kỷ niệm đến hai ngày đầu năm mới. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành từng gọi Seollal là tàn tích xã hội phong kiến. Mãi đến năm 1989, Seollal mới được khôi phục như một ngày lễ để lưu giữ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người dân Triều Tiên vẫn thực hiện “charye” (nghi thức cúng bái tổ tiên) vào ngày 1.1 theo lịch dương.
Về quê
Không giống như Hàn Quốc, nơi mọi người phải vật lộn để mua được vé tàu hoặc “chịu trận” với việc các đường cao tốc tắc nghẽn để có thể về thăm quê vào dịp lễ Seollal hàng năm, Triều Tiên không có cuộc "di cư" ồ ạt như vậy mà người dân chỉ đơn giản là nghỉ lễ tại nhà.
Tục lệ
Người dân ở hai miền Triều Tiên đều bày biện bàn ăn, thực hiện nghi lễ sebae (lễ lạy năm mới) và chúc nhau may mắn. Tuy nhiên, một phong tục tương đối mới đã xuất hiện ở Triều Tiên. Trước khi thực hiện phong tục nói trên, người dân sẽ đặt hoa và bày tỏ sự tôn kính trước tượng của hai cố chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
|
Món ăn đặc biệt
Ở Hàn Quốc, món ăn được nhiều người ăn vào ngày Tết Nguyên đán là tteokguk (canh bánh gạo). Tuy nhiên, Triều Tiên có rất nhiều món ăn tùy theo vùng miền và nông sản có sẵn như tteokguk, manduguk (súp bánh bao), dwaeji gukbap (canh thịt lợn), songpyeon (bánh gạo hình mặt trăng), nokdu jijim (bánh đậu xanh) và mì.
Mặc dù 75 năm chia cắt dân tộc khiến lễ Seollal có đôi chút khác biệt, hai miền Triều Tiên vẫn có chung nhiều phong tục tiễn năm cũ và đón năm mới đến.
Bình luận (0)