Thêm một vắc xin Covid-19 mới, báo động thiếu kim tiêm toàn cầu
31/01/2021 07:12 GMT+7
Ngày 29.1, công ty Johnson&Johnson thông báo vắc xin ngừa Covid-19 một lần tiêm của hãng đạt độ hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa nhiều biến thể của virus corona chủng mới sau khi thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn toàn cầu.
Tự động phát
Gần 44.000 tình nguyện viên từ 3 châu lục tham gia thử nghiệm của J&J. Cụ thể mức độ ngăn chặn virus của vắc xin này là 72% ở Mỹ, 66% ở Mỹ Latinh nhưng chỉ 57% ở Nam Phi. Hiện biến thể virus corona ở Nam Phi đang gây nhiều lo ngại.
Toàn thế giới đang khẩn trương tiêm ngừa cho nhiều người nhất có thể, trước khi có thêm nhiều biến thể nguy hiểm khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn. Giảm số ca mắc bệnh toàn cầu sẽ giảm cơ hội xuất hiện biến thể virus mới, nguy hiểm.
|
“Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, chúng ta sẽ ứng phó với tình hình trong khi virus vẫn khai thác khả năng của mình để trốn tránh áp lực, đặc biệt là áp lực miễn dịch học, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự tiến hóa biến thể. Nghĩa là, chúng ta, với tư cách chính phủ, công ty, tất cả chúng ta ở trong tình hình này cùng nhau, phải nhanh nhẹn lên. Tất cả điều này là động lực để làm điều chúng tôi đã nói từ lâu là tiêm chủng cho càng nhiều người càng nhanh càng tốt”, Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh.
Johnson&Johnson đang nộp đơn xin cấp quyền sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong tuần sau. Công ty này cho biết đã có kế hoạch vận chuyển 1 tỉ liều vắc xin sản xuất ở Mỹ, châu Âu, Nam Phi và Ấn Độ đi khắp thế giới trong năm 2021.
|
Khác với các vắc xin của Pfizer và Moderna, sản phẩm của J&J không yêu cầu mũi tiêm thứ 2 vài tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Vắc xin mới cũng không yêu cầu trữ lạnh, khiến nó có khả năng được sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới không có công nghệ vận chuyển và trữ lạnh tiên tiến.
Trong khi đó, tình trạng thiếu kim tiêm cũng khiến nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 gặp nhiều thách thức. Vắc xin ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và BioNTech kết hợp sản xuất yêu cầu kim tiêm phải đủ hẹp để giảm lãng phí và đù dài để đưa vắc xin vào cơ vai của người nhận.
|
“Hiện chúng tôi rất cần các ống tiêm này, chúng ta sẽ cần chúng trong 6 tháng tới, nhưng giờ thì cũng cần. Vì với các ống tiêm này, chúng ta có thể tiêm 6 liều mỗi lọ, đồng nghĩa với việc có thể tiêm thêm 20% lượng người và con số đó đáng kể chứ”, theo bác sĩ Laurent Fignon.
Bệnh viện của bác sĩ Laurent Fignon được nhà chức trách y tế cung cấp kim tiêm, nhưng số lượng quá ít. Ông phải tự tìm kiếm nguồn cung và may mắn được bệnh viện kế cận hỗ trợ.
Nhiều nơi khác ở châu Âu cũng thiếu kim tiêm, gây khó cho nỗ lực tiêm chủng ngừa Covid-19 ngay từ khi bắt đầu.
|
Trước đó, châu Âu đã cấp phép cho vắc xin của Pfizer và BioNTech khá trễ và hai công ty này cũng cảnh báo quá trình sản xuất vắc xin giữa kì có thể bị trì hoãn.
Pfizer dự báo sẽ sản xuất 2 tỉ liều vắc xin trong năm 2021 với tính toán rằng mỗi lọ vắc xin sẽ có thể chia ra 6 liều. Và Pfizer cũng tính phí theo liều, nghĩa là giá mỗi lọ vắc xin sẽ tăng 20%.
Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Pfizer và BioNTech cung cấp kim tiêm phù hợp để chiết xuất liều vắc xin. Đại diện ngành công nghiệp cho rằng dù sản lượng kim tiêm và ống tiêm vẫn đáp ứng nhu cầu, việc đặt hàng hỗn loạn khiến chúng không có sẵn ở những nơi cần kíp nhất.
Bình luận (0)