Thượng đỉnh Biden-Putin: cơ hội nào cho đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân?
15/06/2021 14:28 GMT+7
Hai Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin trong tuần này có thể thúc đẩy việc cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân của họ, một bước đi có thể giúp thuyết phục Trung Quốc rút khỏi cuộc chạy đua vũ trang, người đứng đầu một nhóm chiến dịch đoạt giải Nobel Hòa bình phát biểu hôm 14.6.
Tự động phát
Cuộc đối thoại thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva hôm 16.6 chắc chắn sẽ căng thẳng, nhưng bà Beatrice Fihn, người đứng đầu Chiến dịch Quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), cho biết bà tin rằng có thể sự kiện này sẽ đánh dấu một bước ngoặt và đạt được cam kết về những cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân mới.
Vào hồi tháng 2, Mỹ và Nga đã gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí New START thêm 5 năm, giúp duy trì hiệp ước cuối cùng hạn chế triển khai 2 kho vũ khí hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới.
|
Bà Fihn cho trong một cuộc phỏng vấn nói rằng: "Tôi không có kỳ vọng quá lớn về một sự thay đổi triệt để hay một cam kết mạnh mẽ. Nhưng tôi thực sự nghĩ hoàn toàn có khả năng mở ra một khởi đầu mới để đàm phán về việc cắt giảm".
Hiệp ước New START năm 2010 giới hạn mỗi nước không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược, đồng thời áp đặt các hạn chế đối với các loại tên lửa phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ dùng để đưa đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu.
|
"Hai quốc gia này nắm giữ hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Mỹ và Nga về cơ bản mà nói hoàn toàn có năng lực hủy diệt thế giới. Điều quan trọng là cần có tham vọng đưa con số này về số 0 và bắt đầu cắt giảm các khu vũ khí hạt nhân".
Thập niên qua đã chứng kiến sự hiện đại hóa và nâng cấp mạnh mẽ các chương trình hạt nhân của Mỹ và Nga, với nhiều loại vũ khí hạt nhân mới, đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chính sách an ninh của 2 nước.
|
Bà Fihn cũng lưu ý rằng nước Anh vào tháng 3 đã tuyên bố sẽ tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân lên hơn 40%.
Bà nói thêm: "Trung Quốc cũng đã tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình, tuy nhiên vẫn rất nhỏ so với Mỹ và Nga".
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng nên có một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga để bắt đầu đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ gây áp lực thật sự lên Trung Quốc, Anh, Pháp để họ buộc phải tham gia và cho thấy những bằng chứng hoặc tiến triển trong cam kết giải trừ hạt nhân".
Bất chấp đại dịch Covid-19, các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã chi 72,6 tỉ USD cho các loại vũ khí này vào năm 2020, tức là thay đổi không nhiều so với năm 2019, theo một báo cáo của ICAN được công bố vào tuần trước. Trong đó, Mỹ chiếm hơn một nửa chi tiêu, đứng thứ 2 là Trung Quốc.
Bình luận (0)