Triều Tiên từ chối đề nghị gửi đặc phái viên của Hàn Quốc, tuyên bố sẽ đưa quân vào khu phi quân sự

18/06/2020 01:00 GMT+7

Triều Tiên hôm 17.6 đã từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc gửi đặc phái viên sang nhằm làm giảm bớt căng thẳng đang leo thang giữa hai nước và đe dọa sẽ điều quân đội tại khu vực phi quân sự nơi biên giới.

Hôm 17.6, Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc gửi đặc phái viên sang nhằm làm giảm bớt căng thẳng. Thay vào đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ điều quân đội đến biên giới, nơi đã phi quân sự hóa từ sau chiến tranh Triều Tiên.
Động thái này xảy ra một ngày sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong. Người đứng đầu Quân đội Hàn Quốc Jeon Dong-jin cùng ngày kêu gọi Triều Tiên tạm dừng tất cả các hành động làm tình hình xấu đi.

Cận cảnh vụ nổ tòa nhà văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong (Triều Tiên) ngày 16.6

Reuters

“(Quân đội Hàn Quốc) bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước thông báo của tổng tham mưu quân đội Triều Tiên rằng họ sẽ phê chuẩn các kế hoạch hành động quân sự trực tiếp đi ngược lại các thỏa thuận liên Triều trước đây, Tuyên bố Bàn Môn Điếm năm 2018 và thỏa thuận quân sự ngày 19.9”.
Ông nói thêm “Động thái này ngay lập tức cản trở những nỗ lực và thành tựu được hai nước tạo ra nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo, và Triều Tiên chắc chắn sẽ phải trả giá nếu những kế hoạch đó được thực hiện.”

Binh lính Hàn Quốc khóa cửa một chốt kiểm soát tại khu vực phi quân sự DMZ ở biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc

Reuters

Cuộc tấn công đánh dấu một thất bại lớn trong những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải với Triều Tiên. Văn phòng vừa bị phá hủy trước đó đã được lập ra như một phần của thỏa thuận hòa bình năm 2018 giữa hai nhà lãnh đạo.
Một phát ngôn viên của Hàn Quốc hôm 17.6 nói rằng sự tin tưởng được xây dựng từ hai nhà lãnh đạo nay bị tổn hại bởi các bình luận do em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong phát biểu trên đài truyền hình nhà nước KCNA.
Bà nói rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không thực hiện được bất kỳ phần nào trong cam kết năm 2018 giữa hai nước và đã “đưa cổ mình vào thòng lọng của chủ nghĩa thân Mỹ bệnh hoạn”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và em gái tại thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm năm 2018

Reuters

Nhưng trên đường phố thủ đô của Hàn Quốc, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và người dân địa phương dường như không thấy bất ngờ trước vụ tấn công. Một người dân cho biết “Đó chỉ là cách để duy trì sức mạnh mà thôi. Tôi không nghĩ họ sẽ thực sự đi xa đến vậy. Tôi vẫn làm công việc của mình, vì tôi không nghĩ rằng một cuộc chiến sẽ nổ ra.”
Tuy nhiên, nhiều người khác thì thận trọng hơn. “Nếu chúng ta đóng cửa chỉ vì Triều Tiên đang làm quá lên, thì họ có thể sẽ phản ứng thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, và tôi nghĩ thiệt hại sẽ là ở phía Hàn Quốc.”
Cuộc tấn công theo sau các mối đe dọa từ Triều Tiên rằng họ sẽ trả đũa nếu các nhóm đào tẩu ở Hàn Quốc tiếp tục thả truyền đơn mang theo thông điệp chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Seoul đã cố gắng ngăn chặn các hành động chống phá này trong nhiều tuần qua, và cam kết sẽ có hành động pháp lý chống lại các nhóm này vì đã “châm dầu vào lửa” vào căng thẳng giữa hai miền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.