Từ kỳ bầu cử 2020, nhìn về những vụ bê bối của các tổng thống Mỹ

Nhật Uyên
Nhật Uyên
04/11/2020 15:02 GMT+7

Trong lịch sử chính trị nước Mỹ , không ít các tổng thống đã vướng vào những vụ bê bối và đi đến một kết cục không mấy khả quan.

1. Watergate
Vào tháng 6.1972, hai tháng trước khi Tổng thống Richard Nixon chính thức được đảng Cộng hòa đề cử tái tranh cử tổng thống, năm người đàn ông đã bị bắt vì tội đột nhập vào Văn phòng đảng Dân chủ tại khu phức hợp Watergate, thủ đô Washington, Mỹ.
Những kẻ đột nhập được phát hiện có liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Nixon, mở ra một cuộc điều tra kéo dài bởi giới truyền thông, FBI và Quốc hội về nhiệm kỳ của ông Nixon. Tổng thống Nixon và phụ tá của ông đã âm mưu che đậy mối liên hệ giữa họ với vụ đột nhập và cản trở các cuộc điều tra sau đó.
Điều tra sâu hơn cho thấy những vụ đột nhập là một phần của chiến dịch gián điệp chính trị và phá hoại diện rộng các đối thủ chính trị của ông Nixon, bao gồm nghe lén, trộm cắp và những đoạn ghi âm mật của tổng thống.

Tổng thống Richard Nixon tuyên bố từ chức vào ngày 9.8.1974.

Chụp màn hình WTTW

Cuối cùng, khoảng 69 quan chức chính phủ đã bị kết tội liên quan đến vụ bê bối lớn hơn, bao gồm phần lớn nội bộ của ông Nixon. Do phải đối diện với nguy cơ bị Quốc hội Mỹ phế truất, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức vào ngày 9.8.1974, và ông trở thành vị tổng thống Mỹ duy nhất phải từ chức cho đến nay.
2. Bê bối tình ái giữa Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh Monica Lewinsky
Vào tháng 11.1995, Tổng thống Bill Clinton bắt đầu có quan hệ ngoài luồng với Monica Lewinsky (22 tuổi), một thực tập sinh không lương tại văn phòng của Chánh văn phòng Nhà Trắng Leon Panetta mùa hè năm đó, và đã tìm được một vị trí có lương của Nhà Trắng vào tháng 12.

Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh Monica Lewinsky đã có mối quan hệ ngoài luồng.

Chụp màn hình ABC News.

Tháng 4.1996, Lewinsky được chuyển đến Lầu Năm góc do có lo ngại rằng cô đang tiếp xúc quá nhiều với tổng thống. Khi ở đó, cô đã tâm sự với đồng nghiệp là Linda Tripp về vụ ngoại tình, nhưng Tripp đã bí mật ghi âm lại. Sau đó, Linda Tripp gửi ghi âm cho Kenneth Starr, người đang điều tra cáo buộc ông Clinton quấy rối tình dục nhân viên bang Arkansas Paula Jones. Tổng thống Clinton và cô Lewinsky phủ nhận mối quan hệ ngoài luồng đó trong quá trình khởi tố vụ án của cô Jones, điều mà sau đó lại trở thành căn cứ để buộc tội tổng thống khai man.
Tháng 12.1998, Hạ viện đã luận tội ông Clinton về tội khai man và phá hoại quá trình tư pháp, nhưng Thượng viện đã tuyên bố ông trắng án, và ông Clinton tiếp tục phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ.
3. Vụ bê bối Iran-Contra
Vào đầu những năm 1980, hai nước Iran và Iraq đang có chiến tranh và Iran đang cần vũ khí. Nhưng vì khủng hoảng con tin Iran năm 1979, Mỹ duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này.
Năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan phải đối mặt với tình huống không thể hành động bởi chính những quy định của mình
Nhưng Mỹ đã ngầm bỏ qua lệnh cấm vận, bán tên lửa cho Iran, và dần dần nhóm con tin Mỹ được Iran thả tự do. Khi thỏa thuận ngầm này bị phanh phui trước công chúng vào năm 1986, Tổng thống Reagan thừa nhận đã bán vũ khí, nhưng bác bỏ mọi loại thỏa thuận “vũ khí đổi con tin”.

Tổng thống Ronald Reagan từng vướng phải bê bối Iran-Contra.

Chụp màn hình Britannica

Trong khi điều tra thương vụ, Bộ trưởng Tư pháp Edwin Meese tiết lộ rằng một số tiền từ việc bán tên lửa bị thiếu hụt. Có thông tin tiết lộ rằng, Oliver North, một phụ tá của Hội đồng An ninh Quốc gia của Reagan, đã chuyển ngân quỹ để tài trợ cho Contras, nhóm phiến quân chống chính quyền Nicaragua. Kế hoạch này được chấp thuận bởi các thành viên của chính quyền Reagan, bất chấp việc Quốc hội Mỹ có quy định ngăn cản chính quyền ông Reagan trợ giúp cho Contras.
Mười bốn quan chức đã bị buộc tội sau vụ bê bối (mặc dù sau đó 5 người được ân xá). Các cuộc điều tra của Quốc hội không tìm được chứng cứ trực tiếp cho thấy sự dính líu của ông Reagan, nhưng năm 1987, Tổng thống đã thừa nhận trong một bài phát biểu trên truyền hình về việc bán vũ khí đổi con tin.
4. Phiên luận tội Andrew Johnson
Việc luận tội Tổng thống Johnson năm 1868 là đỉnh điểm của một cuộc xung đột ác liệt giữa vị tổng thống đến từ đảng Dân chủ và Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát liên quan tới công cuộc tái thiết nước Mỹ sau nội chiến.
Việc ông Johnson nỗ lực sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, người có lập trường cứng rắn hơn ông Johnson đối với phe bại trận miền Nam đã dẫn tới bản luận tội với nội dung phần lớn liên quan những mâu thuẫn giữa 2 người.

Andrew Johnson là Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội.

Chụp màn hình Mental Floss

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Johnson vào ngày 3/3/1868. Sau đó 2 tháng, Thượng viện Mỹ cuối cùng không thể kết án bất kỳ tội danh nào đối với Tổng thống Johnson vì không đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết. Sau 10 ngày tạm nghỉ, thêm 2 vòng bỏ phiếu cũng gặp thất bại và phiên tòa khép lại.
Tổng thống Johnson bị ảnh hưởng nặng nề khi trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội. Vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, ông không kiểm soát được cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai đảng.
Cuộc điều tra luận tội Donald Trump đã được khởi động vào ngày 24 tháng 9 năm 2019, khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình về việc mở điều tra luận tội chính thức về Donald Trump, tổng thống thứ 45.
Cuộc điều tra luận tội này bắt đầu sau khi Tổng thống Trump và luật sư riêng Rudy Giuliani liên tục thúc ép chính phủ Ukraine điều tra Hunter Biden, con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người hiện đang tranh đua chức tổng thống với ông Trump. Vào tháng 7.2019, ông Trump đã giữ lại một khoản viện trợ quân sự cho Ukraine, và bị nghi ngờ làm như vậy để gây sức ép buộc Ukraine mở điều tra. Viện trợ này được nối lại vào tháng 9 năm đó.

Tổng thống Donald Trump vướng phải phiên luận tội nhưng được tha bổng.

Chụp màn hình New York Post

Đối với tội danh lạm dụng quyền lực xuất phát từ việc ông Trump yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị là ông Joe Biden, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 52/48 để tha bổng cho ông Trump.
Thượng viện sau đó cũng bỏ phiếu với tỷ lệ 53/47 để tha bổng tội cản trở của Quốc hội bằng cách chặn các nhân chứng và tài liệu mà Hạ viện tìm kiếm.
Như vậy, Tổng thống Trump đã được tha bổng ở cả hai tội danh, kết thúc cuộc điều tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.